Sau những lo lắng, lo nền kinh tế bị giảm tốc vì chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi lịch sử, niềm vui đã đến khi số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP quý III đạt 7,4%, đưa mức tăng trưởng của 9 tháng đạt 6,82% – cách ngưỡng 7% không quá xa.
Mức tăng trưởng 7,4% của quý III không chỉ cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), mà còn tương đương kịch bản tăng trưởng cả năm là 7% như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2024.
Niềm vui sau bão và lời cảm ơn của Thủ tướng
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã vui mừng công bố số liệu này. Còn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương và nói lời “cảm ơn” với các địa phương đã nỗ lực vượt lên sau bão.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương ngày 7/10. (Nguồn: VGP News) |
Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao. Trong đó, đứng đầu là Bắc Giang (13,89%), tiếp theo là Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)… Thậm chí, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 cũng vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)…
“9 tháng, kinh tế – xã hội Bắc Giang vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Gấu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết.
Trong khi đó, dù được Chính phủ khen ngợi là vẫn giữ được đà tăng trưởng, song ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vẫn lo lắng về hai “chỉ tiêu xấu” trong phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Đó là tăng trưởng GRDP chỉ đạt 9,77%, thấp hơn mục tiêu đề ra.
“Đó là do ảnh hưởng của bão. Chúng tôi cần phải phấn đấu nhiều hơn”, ông Tùng nói và nhắc đến một “chỉ tiêu xấu” khác là giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 52% vốn kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Thực tế, đây là “chỉ tiêu xấu” trên góc nhìn của người Hải Phòng. Còn so với mặt bằng chung cả nước, thì đó vẫn là những con số khá tích cực, nhất là trong bối cảnh Hải Phòng là một trong hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi.
Chính nhờ những nỗ lực của các địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang, kể cả Quảng Ninh, Lai Châu…, mà tăng trưởng kinh tế quý III vẫn đạt tốc độ cao (7,4%), đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đạt mức 6,82%. Tức là, trái với nỗi lo trước đó rằng, ảnh hưởng của bão, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35 điểm phần trăm, còn 9 tháng giảm 0,12 điểm phần trăm, thì nền kinh tế vẫn đang đi đúng kịch bản.
Khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng, Tổng cục Thống kê lý giải rằng, những thiệt hại về hạ tầng, mà tính đến ngày 27/9, con số lên tới 81.500 tỷ đồng, chỉ tính vào thay đổi tài sản của nền kinh tế, không tính vào hoạt động sản xuất trong kỳ, nên mức độ tác động đến tăng trưởng GDP không lớn. Hơn thế, rất nhanh sau bão, các hoạt động sản xuất đã phục hồi trở lại, đưa tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt mức cao, bù đắp cho thiệt hại và sự giảm tốc của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Cuộc đua về đích
Nền kinh tế đã vượt khó khăn để tăng tốc trong quý III và đó là nền tảng quan trọng để kinh tế năm 2024 có thể về đích với con số tăng trưởng có thể lên tới 7%, vượt mục tiêu đề ra và hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm trên 7%, trong đó tăng trưởng quý IV đạt 7,5-8%. Đây cũng chính là kịch bản kinh tế năm 2024 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới cập nhật.
Câu hỏi đặt ra là, liệu nền kinh tế có thể đạt mục tiêu này hay không?
Trao đổi về những cơ hội của nền kinh tế trong quý IV và những tháng đầu năm 2025, ông Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những ảnh hưởng của bão Yagi tới nền kinh tế trong quý III không nhiều, mà có thể là sẽ sang quý IV và năm sau. Bởi lẽ, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, như Quảng Ninh, Hải Phòng đều là những tỉnh công nghiệp trọng điểm.
Khó khăn là có thật, nhất là khi những thiệt hại về máy móc, thiết bị, hoa màu, lồng bè nuôi trồng thủy sản… là rất lớn.
Tuy vậy, trong một báo cáo được công bố cách đây ít ngày, với tựa đề “Asian Economics Quarterly – Cuộc đua về đích”, Ngân hàng HSBC dự báo rằng, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay, bất chấp thiệt hại do bão Yagi. Đây là mức dự báo lạc quan nhất về kinh tế Việt Nam trong số các tổ chức quốc tế, bao gồm cả WB, ADB, IMF…
Ngân hàng HSBC dự báo rằng, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay, bất chấp thiệt hại do bão Yagi. (Nguồn: VNE) |
Theo HSBC, hậu quả để lại của cơn bão Yagi có thể kéo dài trong nhiều tuần nữa, nhưng “những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra”.
Những “khả năng tích cực tiềm tàng” đó có thể là sự nỗ lực của các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, hoặc là sự bứt phá của sản xuất công nghiệp, hay giải ngân đầu tư công.
“Chúng tôi đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm. Trong đó, tập trung cao cho giải ngân đầu tư công, cũng như thúc đẩy tăng trưởng để đạt chỉ tiêu của năm”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM “nhận nhiệm vụ” như vậy.
Là đầu tàu kinh tế, nhưng tăng trưởng GRDP của thành phố này mới đạt 6,85% trong 9 tháng đầu năm, không cao so với mức tăng trưởng GRDP của các địa phương khác trong cả nước. Trong khi đó, TP.HCM đóng góp 20% GDP của cả nước. Chính vì vậy, nền kinh tế đang trông chờ vào sự bứt phá của TP.HCM.
Theo chia sẻ của ông Phan Văn Mãi, Thành phố đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng GRDP 7,5% trong năm nay và dự kiến đạt 8-8,5% trong năm tới.
Giải ngân đầu tư công cũng được Thủ tướng Chính phủ coi là giải pháp trọng điểm để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7% và cao hơn trong năm nay.
“Phải đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương ngay sau phiên họp. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng…”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.