Friday, November 8, 2024
#
HomeKinh tếKinh tế thế giới nổi bật 4 10 10 Dầu Nga phớt...

Kinh tế thế giới nổi bật 4 10 10 Dầu Nga phớt lờ giá trần của phương Tây doanh thu kênh đào Suez lao dốc tăng trưởng ASEAN cao nhất toàn cầu


Giá dầu Nga cao hơn giá trần của phương Tây, doanh thu kênh đào Suez giảm mạnh, Mỹ-Trung Quốc trao đổi quan ngại về thương mại song phương, thương vụ IPO lớn nhất tại Nhật Bản trong 6 năm… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới nổi bật (4-10/10): Dầu Nga ‘phớt lờ’ giá trần của phương Tây, doanh thu Kênh đào Suez lao dốc, tăng trưởng ASEAN cao nhất toàn cầu
Giá dầu Urals giao tháng 10/2024 của Nga tăng trở lại mức trên 65 USD/thùng tại các cảng xuất khẩu ở Biển Baltic và Biển Đen, cao hơn 5 USD/thùng so với mức trần giá do phương Tây áp đặt. (Nguồn: The Moscow Times)

Kinh tế thế giới

Tin xấu với kênh đào Suez

Một quan chức Ai Cập ngày 6/10 tiết lộ rằng, doanh thu kênh đào Suez đã giảm 60%, trong khi số lượng tàu thuyền đi qua tuyến đường thủy quan trọng này kết nối châu Á với châu Âu đã giảm 49% kể từ đầu năm 2024, do căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đỏ.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết, “tình hình hiện tại và những thách thức chưa từng có ở khu vực Biển Đỏ” đã thúc đẩy các hãng tàu tìm kiếm các tuyến đường hàng hải thay thế tránh xa Kênh đào Suez.

Theo SCA, doanh thu của Kênh đào Suez của Ai Cập đã giảm từ 9,4 tỷ USD trong năm tài chính 2022/2023 xuống còn 7,2 tỷ USD trong năm tài chính 2023/2024. Năm tài chính ở Ai Cập bắt đầu vào ngày 1/7 hằng năm và kết thúc vào ngày 30/6 của năm kế tiếp.

Kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát vào tháng 10 năm ngoái, lực lượng Houthi ở Yemen đã nhiều lần tấn công các tàu thuyền qua lại trên Biển Đỏ và Vịnh Aden có liên kết với Israel làm gián đoạn giao thông hàng hải ở Biển Đỏ. Nhiều công ty vận tải buộc phải chuyển hướng khỏi con kênh đào của Ai Cập và chọn tuyến đường biển quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, xa hơn nhưng an toàn hơn.

Mỹ

*Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 8/10, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 8/2024 đã giảm mạnh nhờ xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục và nhập khẩu giảm. Diễn biến này có thể khiến dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2024 được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 8/2024 đã giảm 10,8%, xuống còn 70,4 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024, giảm từ mức 78,9 tỷ USD của tháng trước đó. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa giảm 8,9%, xuống còn 88,6 tỷ USD.

Mức giảm mạnh của thâm hụt thương mại trong tháng 8/2024 là nhân tố có thể sẽ hỗ trợ nâng cao ước tính tăng trưởng kinh tế trong quý III/2024 của Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 3,0% trong quý II/2024.

Trung Quốc

* Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo ngày 8/10 đã trao đổi quan ngại về thương mại song phương, trong đó phía Trung Quốc kêu gọi Mỹ sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với doanh nghiệp nước này.

Cuộc điện đàm giữa ông Vương và bà Gina Raimondo được Trung Quốc mô tả là “thẳng thắn, sâu sắc và thực tế”.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, ông Vương Văn Đào đã “tập trung bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về chính sách bán dẫn của Mỹ đối với Trung Quốc và các hạn chế đối với ô tô kết nối mạng của Trung Quốc”.

Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi Mỹ đánh giá đúng những quan ngại cụ thể của các công ty Trung Quốc, sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các công ty này và cải thiện môi trường kinh doanh cho họ tại Mỹ.

* Kỳ nghỉ Quốc khánh vừa qua của Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động tiêu dùng thông qua sự kết hợp giữa nhu cầu du lịch và các chương trình ưu đãi, cho thấy sức sống kinh tế mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, hơn 2 tỷ lượt chuyến đi xuyên khu vực đã được thực hiện trên khắp nước này trong kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày (từ 1-7/10), tăng trung bình ngày 4,1% so với năm 2023.

Sự bùng nổ du lịch không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan đến du lịch mà còn thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trong các ngành công nghiệp khác nhau, nhấn mạnh khả năng phục hồi của thị trường nội địa Trung Quốc trong và sau kỳ nghỉ lễ.

* Sự tăng trưởng mạnh mẽ và đầy bất ngờ của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những ngày gần đây đã đưa 9 doanh nhân nước này lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới.

Tính đến cuối ngày 8/10, có tổng cộng 55 doanh nhân Trung Quốc nằm trong danh sách Bloomberg Billionaires Index (Chỉ số Tỷ phú Bloomberg), gồm 500 người giàu nhất thế giới. So với con số 46 tỷ phú vào ngày 23/9, sự gia tăng số lượng tỷ phú của Trung Quốc hiện nay cho thấy “sức mạnh” của làn sóng tăng giá cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán nước này, được kích hoạt bởi một loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế, tài chính và thị trường của chính phủ.

Châu Âu

* Ngày 8/10, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối việc Trung Quốc áp đặt biện pháp chống bán phá giá đối với rượu brandy nhập khẩu từ khối này.

Động thái của Bắc Kinh được cho là hành động đáp trả Ủy ban châu Âu (EC) sau khi cơ quan này áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với xe điện sản xuất tại quốc gia Đông Bắc Á.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố danh sách chi tiết về mức thuế mà mỗi công ty sẽ phải trả, dao động từ 30,6% đối với Martell đến 39% đối với Jas Hennessy và 38,1% đối với Remy Martin.

* Theo Reuters, giá dầu Urals giao tháng 10/2024 của Nga đã tăng trở lại mức trên 65 USD/thùng tại các cảng xuất khẩu ở Biển Baltic và Biển Đen, cao hơn 5 USD/thùng so với mức trần giá do phương Tây áp đặt.

Các nhà giao dịch cho biết, chính sách chiết khấu mạnh cho Ấn Độ và chi phí vận chuyển tăng đã hạn chế phần nào đà tăng giá của dầu Urals, mặc dù mức hạn chế này là không đáng kể. Tính toán của Reuters dựa trên số liệu của giới buôn dầu cho thấy từ đầu năm nay, giá dầu Urals của Nga chủ yếu cao hơn 60 USD/thùng. Hồi cuối tháng 8/2024, giá cũng đã chạm 65 USD/thùng.

* Các nhà phân tích cho biết, ngành công nghiệp nặng của châu Âu có khả năng sẽ quay trở lại cắt giảm sử dụng khí đốt vào năm 2025, trong bối cảnh thị trường khí đốt thắt chặt và giá tăng cao.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo cho thấy nhu cầu khí đốt trên toàn cầu trong năm nay đang tăng mạnh so với hai năm qua và dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024 và 2025.

Trong bản đánh giá an ninh khí đốt toàn cầu hằng năm, IEA cho biết, nhu cầu khí đốt cho ngành công nghiệp của châu Âu đang phục hồi do giá ổn định trở lại. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự kiến sẽ giảm trong những năm tới, khi các công ty phải tiếp tục vật lộn với chi phí năng lượng cao hơn so với các khu vực khác và nền kinh tế tăng trưởng yếu.

* Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 7/10 công bố số liệu cho thấy số đơn đặt hàng công nghiệp tại nước này trong tháng 8/2024 giảm nhiều hơn dự kiến, làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào tình trạng suy thoái vào cuối năm nay.

Theo Destatis, trong tháng 8/2024, các đơn đặt hàng mới giảm 5,8% so với tháng 7/2024. Số liệu này cho thấy sự đảo chiều sau mức tăng 3,9% ghi nhận trong tháng 7/2024. Nếu loại trừ các đơn đặt hàng lớn có thể thay đổi theo từng tháng, số lượng đơn đặt hàng trong tháng 8/2024 giảm 3,4%.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý ngày 7/10, công ty tàu điện ngầm Tokyo Metro đã đặt ra mức giá chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) từ 1.100 đến 1.200 Yen/cổ phiếu, so với ước tính ban đầu là 1.100 Yen/cổ phiếu.

Ở mức giá cao nhất, Metro Tokyo, một trong hai nhà điều hành tàu điện ngầm tại thủ đô của Nhật Bản, sẽ huy động được 349 tỷ Yen (tương đương 2,35 tỷ USD), đánh dấu thương vụ IPO lớn nhất tại Nhật Bản trong 6 năm qua.

* Tiền lương thực tế của người dân Nhật Bản trong tháng 8/2024 đã giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi dấu lần giảm đầu tiên trong ba tháng. Nguyên nhân là do mức tăng lương không theo kịp tốc độ lạm phát, số liệu chính thức của chính phủ vừa công bố cho thấy.

Sự sụt giảm tiền lương thực tế cũng phản ánh các khoản thưởng Hè trong tháng 6 và tháng 7/2024 đã giảm dần đi.

* Theo số liệu thống kê của Sàn giao dịch điện Hàn Quốc công bố hôm 9/10, nhu cầu điện cao điểm của Hàn Quốc đã đạt mức kỷ lục mới vào tháng 9/2024 khi cái nóng thiêu đốt của mùa Hè kéo dài sang mùa Thu.

Theo đó, nhu cầu điện cao điểm của Hàn Quốc trong tháng 9/2024 trung bình đạt 78 GW, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử tháng 9. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với mức 80,5 GW được ghi nhận vào tháng 7 trong thời kỳ đỉnh điểm của đợt nắng nóng mùa Hè.

Sự gia tăng này là do lượng điện tiêu thụ cho điều hòa không khí tăng cao vì đợt nắng nóng kéo dài suốt tháng 9. Nhiệt độ trung bình trên toàn Hàn Quốc vào tháng 9 là 24,7 độ C, cao hơn 4,2 độ so với nhiệt độ trung bình thông thường, đánh dấu mức nhiệt độ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1973.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 7/10, Tổng Vụ trưởng phụ trách các vấn đề song phương của Bộ Ngoại giao Cuba, Carlos Miguel Pereira, thông báo đảo quốc Caribe này đã chính thức xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS với tư cách là một quốc gia đối tác.

Trước đó, ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đã khẳng định quyết tâm của nước này trong việc tăng cường mối quan hệ với BRICS.

* Theo Thứ trưởng Tài chính Indonesia, Thomas Djiwandono, khu vực ASEAN đã chứng minh được khả năng phục hồi kinh tế khi tăng trưởng của khu vực đóng góp 3,6% vào GDP của thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn Kho bạc ASEAN, ngày 3/10 tại Bali, ông Thomas Djiwandono cho biết, tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong năm nay dự kiến sẽ đạt mức 4,5%, cao nhất thế giới, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,2%.

Thực tế nền kinh tế ASEAN đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm qua, chứng tỏ khả năng thích ứng. Dựa trên dữ liệu thống kê đã có 17% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ASEAN trong năm 2022, đưa ASEAN trở thành một trong những khu vực tiếp nhận FDI cao nhất so với các khu vực đang phát triển khác.

Trong tương lai, Thomas cho rằng, các nước ASEAN cần tiếp tục tăng cường khả năng phục hồi và kết nối khu vực để đạt được sự phát triển kinh tế dài hạn.

* Theo ông Apurva Sanghi, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Malaysia, WB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia lên 4,9% trong năm 2024 từ mức dự báo ban đầu là 4,3% được đưa ra vào tháng Tư.

Theo ông Sanghi, tất cả các yếu tố trong nước và ngoài nước đều ủng hộ dự báo tăng trưởng mới nhất. Nền kinh tế toàn cầu đang hoạt động tốt hơn nhiều so với dự kiến cách đây sáu tháng.

Trong khi đó, tại Malaysia, động lực kinh tế tích cực, sự ổn định chính trị gia tăng và môi trường chính sách ngày càng thuận lợi đang thúc đẩy và huy động nhiều khoản đầu tư hơn.

* Các cơ quan chức năng Thái Lan đang triển khai các biện pháp tăng cường sàng lọc hàng hóa nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu các sản phẩm kém chất lượng và bảo vệ các ngành công nghiệp của nước này.

Cụ thể, Bộ trưởng Công nghiệp Akanat Promphan cho biết, Bộ đã làm việc với nhiều ngành khác nhau, chỉ thị cho Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan (TISI) phối hợp với Cục Hải quan đóng kênh nhập khẩu EXEMPT 5 từ ngày 1/10 để ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng kém chất lượng.

Các mặt hàng nhập khẩu qua EXEMPT 5 là hàng hóa do TISI kiểm soát, không phải để bán và được nhập khẩu với số lượng hạn chế. Chúng được miễn giấy phép hoặc chứng nhận do số lượng ít, khiến kênh này trở thành kẽ hở cho việc nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng.


Nguồn:https://doanhnhanvacuocsong.vn/2024/10/10/kinh-te-the-gioi-noi-bat-4-10-10-dau-nga-phot-lo-gia-tran-cua-phuong-tay-doanh-thu-kenh-dao-suez-lao-doc-tang-truong-asean-cao-nhat-toan-cau/

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem