Giá cà phê hôm nay 15/9/2024
Giá cà phê thế giới trên cả 2 sàn London và New York đồng loạt tăng mạnh trong phiên cuối tuần. Robusta đã tăng liên tiếp suốt 5 phiên trong tuần.
Giá cà phê trong nước tăng 5 ngày liên tiếp, cán mốc 124.000 đồng/kg, với tổng mức tăng lên tới 5.100 – 5.700 đồng/kg. Hiện giá cà phê trong nước giao dịch trong khoảng giá 123.500 – 124.000 đồng/kg.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch tuần này (13/9), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 tăng 190 USD, giao dịch tại 5.267 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 tăng 182 USD giao dịch tại 4.998 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp .
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng rất mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 tăng 10,05 Cent, giao dịch tại 259,45 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 9,6 Cent, giao dịch tại 256,60 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Giá cà phê trong nước ngày 14/9 tăng 2.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (nguồn: dallas.culturemap) |
Giá cà phê tiếp tục giữ ở mức cao và tăng mạnh hiện nay có nguyên nhân từ những lo lắng về thời tiết cũng như do chỉ số giá đồng USD sụt giảm liên tục từ tháng 7/2024 đến nay, thúc đẩy thị trường hàng hóa mua vào. Chỉ số USD liên tục sụt giảm trước tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, dự kiến tuyên bố về mức giảm lãi suất của Fed sẽ đến trong phiên họp Chính sách của cơ quan này vào tuần tới (19/9). Giới đầu tư đã đặt nhiều hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong lần này.
Theo Comunicaffe, giá cà phê arabica kỳ hạn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu mưa kéo dài ở Brazil. Các nhà dự báo thời tiết Brazil dự đoán mưa sẽ trở lại vào tuần thứ ba của tháng 9, nhưng lượng mưa này sẽ không đủ để khắc phục thiệt hại do nhiều tháng hạn hán vừa qua.
Trong khi đó, Viện Địa lý và thống kê Brazil (IBGE), thuộc Bộ Kế hoạch kinh tế đã hạ 1,6% ước tính về vụ thu hoạch cà phê 2024-2025 của nước này. Sản lượng theo ước tính đạt 59,7 triệu bao, tăng 4,8% so với niên vụ 2023-2024, do năng suất trung bình tăng 3,6% và diện tích sản xuất tăng 1,2%. Công ty cung ứng quốc gia Brazil (Conab) sẽ công bố ước tính chính thức lần thứ ba vào ngày 19/9 tới.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước ngày 14/9 tăng 2.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Trên thị trường robusta, lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam giảm 12,1% trong 8 tháng đầu năm tiếp tục gây áp lực lên giá mặt hàng này. Tại Việt Nam, hiện nay, diện tích cà phê không thể mở rộng vì bị cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm như sầu riêng, hồ tiêu nên người dân Tây nguyên đẩy mạnh việc tái canh để cải thiện năng suất.
Tại Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai châu Á, các nhà cung cấp sẵn sàng giữ nguồn cung nếu kỳ vọng về giá của họ không được đáp ứng.
Trong một diễn biến mới đây, Brazil cùng với Mỹ và các quốc gia khác, đã chính thức yêu cầu Liên minh châu Âu hoãn thời điểm có hiệu lực của Quy định chống phá rừng (EUDR), dự kiến vào cuối năm nay. Quy định mới này nhằm đảm bảo các sản phẩm được tiêu thụ ở EU không góp phần vào tình trạng phá rừng hoặc gây suy thoái rừng.
Dù nguồn cung cà phê cải thiện nhưng giá vẫn tăng mạnh là do nhu cầu của châu Âu tăng mạnh. Các nhà rang xay phương Tây gấp rút vận chuyển cà phê về các cảng của EU để dự trữ trước khi quy định chống phá rừng chính thức áp dụng vào cuối tháng 12.2024.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê thế giới sẽ còn biến động mạnh từ nay tới hết năm 2024 do thời tiết xấu, gián đoạn vận chuyển cũng như môi trường pháp lý thắt chặt tại nhiều quốc gia. Một số chuyên gia dự báo căng thẳng sẽ giảm bớt trong năm 2025 nhưng giá trong dài hạn vẫn có xu hướng tăng do biến đổi khí hậu cùng nhiều yếu tố khác.
Theo các chuyên gia, xu hướng tăng giá cà phê phản ảnh nhiều yếu tố, bao gồm sản lượng sụt giảm tại Việt Nam vào năm ngoái – nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới – do hiện tượng El Nino. Sản lượng cà phê của Việt Nam dù không quá gây thất vọng, chỉ thấp hơn khoảng 5% so với dự báo, nhưng vấn đề là điều này xảy ra sau khi sản lượng cà phê tại Brazil sụt giảm trong vài năm trước, dẫn tới tồn kho giảm xuống mức thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển chậm trễ cũng ảnh hưởng tới giá cả. Các vấn đề liên quan tới vận chuyển trở nên phổ biến hơn do các hãng vận tải phải thay đổi hải trình trước quan ngại về khủng hoảng trên biển Đỏ.
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu cà phê ở châu Âu đối mặt với những khó khăn trong việc tuân thủ Quy định EUDR. Các doanh nghiệp cà phê châu Âu đang ráo riết tăng nhập hàng trước khi EUDR có hiệu lực vào cuối năm.
Tất cả những yếu tố trên khiến giá cà phê tăng vọt.