Quy trình đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại một nhà máy ở Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Từng trực tiếp tham gia công tác xúc tiến thương mại, đưa con tôm con cá Việt Nam “bơi ra biển lớn”, khi dẫn chứng về vai trò của ngoại giao kinh tế “trợ lực” cho xuất khẩu thủy hải sản, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vẫn bồi hồi nhắc lại câu chuyện về lần khảo sát thị trường ở Ai Cập cách đây hơn 10 năm.
“Khi chúng tôi bước vào khu chợ dân cư của nước bạn, sau khi giới thiệu là người Việt thì thương lái nước bạn hào hứng hô to Việt Nam – basa. Quả thật, đối với một đất nước ở xa chúng ta hàng ngàn cây số nhưng khi nhắc đến Việt Nam thì họ lại biết đến cá basa – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản khiến chúng tôi vô cùng xúc động”, ông Nam chia sẻ tại một Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cách đây không lâu.
Muốn nông sản Việt đi xa, phải gắn kết với ngoại giao
“Bài bản”, “đi sâu, đi sát”, “kịp thời” là những cụm từ được bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc đề cập nhiều lần thông qua những câu chuyện sống động về đóng góp của ngành Ngoại giao, đặc biệt là vai trò của các Đại sứ, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong nỗ lực giúp gạo Việt “ghi điểm” tại thị trường quốc tế.
Từ những câu chuyện tìm kiếm thị trường cho “hạt gạo làng ta” những năm 2000 cho tới việc tận dụng tình hình gạo ở Ấn Độ để giúp “hạt gạo giành lợi thế trên thương trường” hay sự kiện Indonesia – quốc gia chưa từng nhập khẩu gạo của Việt Nam đã lần đầu tiên mua 2 triệu tấn gạo (năm 2022)… theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, đều có dấu ấn của công tác ngoại giao kinh tế.
“Với tình hình mới hiện nay, tôi mong xuất nhập khẩu không còn là những hoạt động thương mại thuần túy mà sẽ nằm trong tổng thể đường hướng chính sách ngành Ngoại giao. Cần có những chính sách mang chiến lược dài hạn. Doanh nghiệp chủ động đặt hàng, đồng hành cùng các cơ quan ngoại giao, chứ không chỉ ngồi yên chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ”, bà Tâm đề xuất.
Trong hơn một năm qua, kể từ khi Bộ Ngoại giao cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức ký kết Kế hoạch hành động triển khai công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2023-2026 vào ngày 17/8/2023, công tác ngoại giao kinh tế được phát huy hiệu quả trong việc xúc tiến, thúc đẩy mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam; kết nối hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; hỗ trợ ngành nông nghiệp hội nhập quốc tế và phát huy, nâng cao vai trò trong các cơ chế hợp tác đa phương.
Cảm ơn ngành Ngoại giao thời gian qua đã có những hỗ trợ kịp thời, giúp “chắp cánh” cho nông sản Việt bay xa, mang theo hình ảnh đất nước, nông dân Việt Nam đến nhiều thị trường, bạn bè trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: “Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau và muốn nông sản Việt đi xa thì phải gắn kết với ngành Ngoại giao”.
Nhiều kết quả cụ thể, thực chất
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay, điều quan trọng nhất trong công tác ngoại giao kinh tế là khai thác được tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ, đồng thời tạo ra những nguồn lực mới cho đất nước. Từ đầu năm đến nay, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế – xã hội.
Trong hàng chục hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Mới đây nhất, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 16 văn kiện hợp tác.
Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như: kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hoá thành các cam kết, dự án cụ thể trong các hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.
Cùng với đó, tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới.
Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Việt Nam đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens…
Ngay từ những tháng đầu năm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn định hướng cho Bộ Ngoại giao tập trung triển khai các đầu việc để thúc đẩy ngoại giao kinh tế.
Thứ nhất là chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh. Thứ hai là tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm thế mạnh, nhất là những sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi. Kêu gọi đầu tư của các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông vào các lĩnh vực mà họ rất quan tâm.
Những kết quả nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, hoan nghênh trong Hội nghị Thủ tướng với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sáu tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, tổ chức vào tháng Bảy vừa qua.
Dưới sự lãnh đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, những nỗ lực không ngừng nghỉ của công tác ngoại giao kinh tế và ngành Ngoại giao đã được nhiều bộ, ban, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp… ghi nhận, đánh giá cao, từng ngày “đơm hoa, kết trái”, góp phần nâng cao vị thế, đưa thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vươn xa khắp thế giới.
Để góp phần thúc đẩy động lực xuất khẩu, tại Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sáu tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh quảng bá ra thế giới các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh; cũng như tăng cường giới thiệu về môi trường, đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhất là về các chính sách mới, các thành tựu phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng lưu ý, các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, những mặt hàng mà thế giới có nhu cầu, các sản phẩm, mặt hàng đặc sản, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu chuyển đổi xanh của các nước, giải quyết bài toán trước mắt và cả lâu dài. Các bộ ngành làm tốt chức năng quản lý Nhà nước, định hướng sự phát triển, công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA, thúc đẩy việc mở rộng các thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, sản phẩm Halal; theo dõi sát tình hình về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa… |
Nguồn:https://baoquocte.vn/ngoai-giao-kinh-te-chap-canh-hang-viet-vuon-xa-284321.html