Sunday, September 15, 2024
#
HomeVăn hóaBa nghệ sĩ nổi tiếng trong giới nghệ thuật Mỹ

Ba nghệ sĩ nổi tiếng trong giới nghệ thuật Mỹ


Xin giới thiệu ba nghệ sĩ nổi tiếng trong giới nghệ thuật Mỹ.

Nghệ thuật Mỹ [Kỳ cuối]
Chaplin (trái) trong vai diễn điện ảnh đầu tiên, phim Making a Livin (1914)

Charlie Spencer Chaplin (1889-1977), là diễn viên hài, viết kịch bản, nhà làm phim và soạn nhạc người Anh nhưng nổi danh ở Mỹ. Với tư cách nhà làm phim, Chaplin được xem như nhà tiên phong và một trong những nhân vật quan trọng nhất của điện ảnh nửa đầu thế kỷ XX.

Thời niên thiếu của Chaplin nghèo khổ. Bố là ca sĩ, mẹ hát cho music hall (ca vũ nhạc), đều túng bấn. Lên sáu tuổi, cậu lên sân khấu để múa. Cuối năm 1913, ông được nhà điện ảnh Mỹ tài ba Mack Sennet (1880-1960) phát hiện.

Năm sau, Chaplin làm cho Hollywood một loạt 35 phim toàn là đuổi bắt và ném bánh kem. Chaplin tạo ra hình ảnh điển hình: Mũ melon (quả dưa), ria mép, đi kiểu vịt, lạch bạch, giày to tướng, quần lùng thùng, tiêu biểu cho anh chàng đi lang thang, si tình vượt lên nghìn nỗi gian truân nhờ hài hước, nhân phẩm, láu cá vặt và ăn may.

Những bộ phim làm trong giai đoạn 1916-1918 chuẩn bị công phu và tinh thần làm việc, sáng tạo nghiêm túc của ông được đánh giá là những tác phẩm xuất sắc. Chaplin luôn đả kích những kẻ quyền thế, cảnh sát, đòi hỏi mỗi “phó thường dân” phải được tôn trọng.

Khi “phim nói” xuất hiện, Chaplin định thôi nghề điện ảnh. Nhưng sau ba năm trời lao động, ông thực hiện Ánh sáng thành phố (1931), một tác phẩm não nùng chiếu ở châu Âu. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế đã gợi ý ông làm phim Thời hiện đại (1936). Trào lưu phát xít dâng lên, chiến tranh sắp bùng nổ, ông lại “dấn thân” với phim Nhà độc tài (1940). Ông bị giới phản động tấn công. Ông làm phim Ông Verdoux (1947) với sắc thái “hài hước đen”. Trào lưu chống cộng McCarthy ở Mỹ gây sóng gió, ông quyết định bỏ hẳn Mỹ về châu Âu để giới thiệu phim Ánh sáng sân khấu (1952). Các phim trên của ông được xếp vào danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại.

Cùng người vợ thứ tư và các con, ông sống ẩn dật ở Thụy Sỹ trong 25 năm cho đến khi mất. Ông viết hồi ký về đời mình trong những năm 1958-1962.

Greta Garbo (1905-1990), tên thật là Greta Lovisa Gustafsson, một người Mỹ gốc Thụy Điển, là ngôi sao nữ vĩ đại nhất của điện ảnh Hollywood cổ điển. Bà là con thứ ba trong một gia đình công nhân nghèo. Ngay từ khi đi học, Garbo đã thích nghệ thuật; năm 14 tuổi, bà đóng vai một thiếu nữ cổ Hy Lạp hy sinh vì vua cha và đất nước trong kịch Iphigénie diễn ra ở nhà trường. Buổi diễn thành công ấy khiến Garbo càng mơ ước trở thành diễn viên.

Được coi là một trong những nữ diễn viên màn ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại, Garbo nổi tiếng với tính cách u sầu trong những vai diễn về các nhân vật. Tác động từ diễn xuất và sự hiện diện trên màn ảnh của Garbo đã nhanh chóng tạo nên danh tiếng của bà như một trong những nữ diễn viên vĩ đại nhất Hollywood; bà là một ngôi sao quốc tế trong thời kỳ cuối kỷ nguyên phim câm và “Thời kỳ hoàng kim” của Hollywood.

Theo nhà sử học và nhà phê bình điện ảnh David Denby, Garbo đã đưa sự tinh tế vào nghệ thuật diễn xuất im lặng và rằng tác động của nó đối với khán giả là không thể phóng đại.

Garbo bắt đầu sự nghiệp của mình với vai phụ trong bộ phim Truyền thuyết về Gosta Berling (1924) dựa vào một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ văn sĩ Thụy Điển Selma Lagerlöf. Màn trình diễn của Garbo đã thu hút sự chú ý của Louis Burt Mayer (1884-1957), người đã đưa bà đến Hollywood vào năm 1925. Garbo đã thu hút sự quan tâm với bộ phim câm đầu tiên của Mỹ, Torrent (1926).

Diễn xuất của Garbo trong Thiên thần và ác quỷ (1926), bộ phim thứ ba của bà, đã đưa bà trở thành ngôi sao quốc tế. Những bộ phim nổi tiếng khác từ kỷ nguyên phim câm là Quý cô bí ẩn (1928), Tiêu chuẩn duy nhất (1929); Nụ hôn (1929). Garbo tiếp tục tham gia các bộ phim nói như Mata Hari (1931), Susan Lenox- Sự sụp đổ và trỗi dậy của cô ấy (1931), Khách sạn lớn (1931), Nữ hoàng Christina (1932), Anna Karenina (1935)… Garbo từ giã màn ảnh ở tuổi 35 sau khi đóng 28 bộ phim (trong đó một nửa là phim câm và nửa kia là phim nói). Bà từ chối mọi cơ hội trở lại màn ảnh, xa lánh dư luận và sống khép kín.

Marilyn Monroe (1926-1962) là nữ diễn viên, người mẫu và ca sĩ người Mỹ. Bà là thần tượng và huyền thoại “minh tinh” tiêu biểu nhất và có sức mạnh mãnh liệt nhất mà “bộ máy chế tạo mơ mộng” của điện ảnh Mỹ và thế giới đã cho ra đời.

Trong những năm 50 và đầu 60 của thế kỷ XX, Monroe tượng trưng cho cái hoàn hảo của nhục cảm trong thân thể đàn bà. Đứng ngồi, đi lại, bất cứ động tác gì, Monroe luôn luôn gây được cảm giác rằng bà ý thức được về sự hấp dẫn của cơ thể mình, của cái thân hình mang lại vinh quang cho mình. Về phương diện xã hội học, phương Tây trong nửa sau thế kỷ XX coi bà là lá cờ đầu của cách mạng tình dục, một khía cạnh của phong trào giải phóng phụ nữ.

Nhưng mặt khác, Monroe đủ tỉnh táo để không bị đánh lừa bởi cái nhân cách mà điện ảnh muốn tạo ra cho mình qua những vai diễn. Bà có thực tài trong nghề diễn viên chứ không phải chỉ là thứ người mẫu phô bày da thịt một cách tầm thường.

Monroe đóng nhiều phim, trong đó có một số phim chính như: Niagara (1953) về người đàn bà có sức mê hoặc lạ thường và bị tình nghi ám sát chồng; Đàn ông thích phụ nữ tóc vàng (1953), tạo dựng hình ảnh “cô gái tóc vàng câm” quen thuộc; Dòng sông không trở lại (1954), Bảy năm suy nghĩ (1955), một trong những thành công phòng vé lớn nhất trong sự nghiệp của bà, Bến xe buýt (1956). Bà giành được giải Quả cầu vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Có những người thích nóng (1959).

Trong số trên 30 phim Monroe đóng, không phim nào được công nhận là thật hoàn hảo nhưng đều góp phần tạo nên biểu tượng người phụ nữ hiện thân của tình dục và sắc đẹp. Rất lâu sau khi qua đời, bà vẫn được xem là một biểu tượng lớn của văn hóa đại chúng. Năm 1999, Viện phim Mỹ xếp Monroe ở vị trí thứ sáu trong danh sách những nữ minh tinh màn ảnh vĩ đại nhất của Hollywood thời kỳ hoàng kim.



Nguồn:https://baoquocte.vn/ba-nghe-si-noi-tieng-trong-gioi-nghe-thuat-my-284337.html

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem