Bất động sản mới nhất: Khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh Hồng Khanh/Vietnamnet) |
Hà Nội đề xuất diện tích tối thiểu 50m2 mới được tách thửa
Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự thảo bám sát Điều 220, Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa đất, hợp thửa đất.
Theo dự thảo, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2.
Tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2, các xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150m2.
Trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên đối với thị trấn, 4m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.
Với đất phi nông nghiệp, quy định này áp dụng cho các thửa đất ngoài trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đối với đất thương mại, dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400m2. Với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000m2.
Tại các xã khác, đối với đất thương mại, dịch vụ, diện tích không nhỏ hơn 800m2 và đối với đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000m2.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc chia tách thửa đất cần thực hiện sao cho bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng đời sống dân sinh, cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.
Ngoài tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.
Bên cạnh đó, việc tách thửa đất cần bảo đảm không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm tránh tình trạng quá tải và bảo đảm chất lượng cuộc sống trong các khu vực dân cư. Về lâu dài, cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững, tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Hiện việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20 năm 2017. Theo đó, lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.
Thành phố Hồ Chí Minh thu thập 20.000 ý kiến góp ý về điều chỉnh bảng giá đất
Ngày 29/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có thông tin về kết quả tiếp thu ý kiến góp ý tại các hội nghị phản biện về điều chỉnh bảng giá đất.
Với tầm quan trọng và mức độ tác động của công tác điều chỉnh bảng giá đất đối với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất và tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn, Thành phố đã thực hiện bổ sung 4 hội nghị lấy ý kiến.
Cụ thể, ngày 6/8/2024, Ban Thường trực Ủy ban Măt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND quy định về bảng giá đất trên địa bàn Thành phố.
Ngày 13/8/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy Thành phố tổ chức Hội nghị giới thiệu và trao đổi thông tin về việc ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND. Ngày 20/8/2024, HĐND Thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đại biểu HĐND về công tác điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn Thành phố.
Từ ngày 19 đến ngày 23/8/2024, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố đã triển khai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên mạng Internet trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Thành phố nhằm đánh giá sự quan tâm của người dân và các ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo bảng giá đất dự kiến áp dụng tại Thành phố. Tính đến sáng 21/8/2024, đã thu thập được hơn 20.000 ý kiến góp ý.
Theo số liệu tổng hợp, các ý kiến tập trung vào mục tiêu chung xây dựng được bảng giá phù hợp, sát thực tế, cần có lộ trình, góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, khắc phục những tồn tại bảng giá hiện hành, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ và tài chính, đất đai trên địa bàn.
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, lộ trình điều chỉnh bảng giá đất gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ ngày 1/8/2024 – 31/12/2025: Điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn Thành phố theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.
Giai đoạn 2: Từ 1/1/2026 – 31/12/2026. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án Xây dựng bảng giá đất áp dụng lần đầu từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024. Thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất trong giai đoạn này thuộc về HĐND Thành phố.
Giai đoạn 3: Từ ngày 1/1/2027 trở đi. Thực hiện điều chỉnh, sửa đổi bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.
Vingroup chính thức khởi công siêu dự án 90ha tại Đông Anh
Sáng 30/8, Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh. Với tổng quy mô lên tới 90ha, thuộc Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới, Tổ hợp được dự báo sẽ là “kỳ quan mới” của Thủ đô, khởi phát nền kinh tế “Expo” sôi động, sánh ngang với các tâm điểm giao thương toàn cầu.
Phối cảnh dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội. (Nguồn: Vingroup) |
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia là dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thay thế cho Trung tâm Triển lãm cũ tại Giảng Võ.
Với tầm vóc khác biệt và quy mô thuộc Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới – Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia sẽ là điểm đến quốc tế cho các sự kiện thương mại, triển lãm hàng đầu toàn cầu, khởi phát nền kinh tế Expo sôi động, tương tự mô hình Dubai Expo (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất), Frankfurt (Đức), Fiera Milano (Italy)… Đây là nền tảng quan trọng tạo môi trường quốc tế cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, kết nối, xúc tiến thương mại, đồng thời là động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội.
Dự án tọa lạc ngay cửa ngõ Đông Bắc Hà Nội, tâm điểm của các huyết mạch giao thông quan trọng đi các tỉnh gồm đường bộ, đường không và metro đã được quy hoạch. Từ “tọa độ kim cương” của dự án chỉ cần 15 phút di chuyển đến sân bay quốc tế Nội Bài, 5 phút sang các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ thông qua cầu Tứ Liên (sắp xây dựng), kế cận tuyến metro tương lai kết nối Đông Anh với các địa điểm khác trong thành phố Hà Nội. Hiện tại, dự án đang kết nối thuận tiện vào trung tâm Hà Nội thông qua Quốc lộ 5 kéo dài, đường Trường Sa và cầu Đông Trù, Nhật Tân.
Công trình nhà triển lãm trong nhà là tâm điểm của tổ hợp, mang hình ảnh thần Kim Quy gắn liền với truyền thuyết về mảnh đất Cổ Loa, Đông Anh, biểu trưng cho tinh thần mãnh liệt, kiên cường của người Việt Nam, cùng khát vọng vươn tầm quốc tế mạnh mẽ thông qua hình ảnh công trình trung tâm triển lãm tầm vóc toàn cầu.
Bên cạnh “tọa độ kim cương”, dự án còn sở hữu tổng quy mô lên đến 90ha, thuộc Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới cả về diện tích tổng thể cũng như diện tích triển lãm.
Điều kiện để người nước ngoài được cho thuê nhà
Điểm a, Khoản 2, Điều 21 Luật Nhà ở 2023 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo đó quy định như sau:
a) Đối với chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài thì được cho thuê nhà ở để sử dụng vào mục đích mà pháp luật không cấm nhưng trước khi cho thuê nhà ở, chủ sở hữu phải có văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi có nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và phải nộp thuế từ hoạt động cho thuê nhà ở này theo quy định của pháp luật.
Điều 3 Thông tư số 05/2024/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở quy định về thông báo về việc cho thuê nhà ở của cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
1. Trước khi ký hợp đồng cho thuê nhà ở thuộc sở hữu của mình, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải gửi văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở đến cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở cho thuê. Nội dung văn bản thông báo bao gồm tên chủ sở hữu, địa chỉ nhà ở cho thuê, thời gian cho thuê, số ký hiệu và ngày, tháng, năm cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu đối với nhà ở cho thuê, mục đích sử dụng nhà ở cho thuê và gửi kèm theo bản sao giấy chứng nhận về quyền sở hữu đối với nhà ở đó.
2. Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà ở, cá nhân nước ngoài phải có văn bản thông báo về việc chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà gửi đến cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở cho thuê biết để theo dõi, quản lý.
3. Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo định kỳ 06 tháng, 01 năm và theo yêu cầu đột xuất về tình hình cho thuê nhà ở của cá nhân nước ngoài trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) và Bộ Xây dựng.
Như vậy, người nước ngoài cho thuê nhà ở cần thực hiện thủ tục thông báo theo các quy định nêu trên.