Trung Quốc chính thức tuyên bố không áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU. (Nguồn: devdiscourse) |
Tuy nhiên, lý do Bắc Kinh đưa ra quyết định này không phải do họ không tìm thấy bằng chứng sản phẩm của EU đang bán phá giá tại thị trường hàng đầu thế giới này, mà là một động thái “cao tay” hơn đối tác.
Trong thông cáo công bố ngày 29/8, phía Trung Quốc cho biết, họ sẽ không áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, mặc dù đã phát hiện ra rằng – rượu này đã được bán tại Trung Quốc dưới giá thị trường, nhằm tạo điều kiện cho cả hai bên có thời gian để thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, họ đã phát hiện ra các nhà chưng cất rượu châu Âu bán phá giá rượu mạnh tại thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ người, với biên độ dao động từ 30,6% đến 39,0% và ngành công nghiệp trong nước của họ đã bị thiệt hại.
“Các biện pháp chống bán phá giá tạm thời sẽ không được áp dụng trong trường hợp này trong thời điểm hiện tại”, tuyên bố cho biết, nhưng để ngỏ khả năng Bắc Kinh có thể hành động vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Trước đó, Bộ này cho biết rằng, cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 5/1/2025, nhưng có thể được gia hạn “trong những trường hợp đặc biệt”.
Cùng với động thái mới nhất này, Trung Quốc đã vận động 27 quốc gia thành viên của EU bác bỏ đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 36,3% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 tới và quyết định của Bắc Kinh – không áp thuế đối với rượu mạnh từ EU có thể được coi là bước đi có lợi cho vụ kiện xe ô tô điện.
Pháp được coi là mục tiêu cuộc điều tra rượu mạnh của Bắc Kinh do nước này ủng hộ EU đánh thuế đối với ô tô điện Trung Quốc. Nước này cũng chiếm tới 99% lượng rượu mạnh nhập khẩu vào Trung Quốc hồi năm ngoái.
Hiệp hội rượu cognac Pháp, Văn phòng liên ngành quốc gia về rượu cognac cho rằng, quyết định tạm thời của Trung Quốc – hiện thời không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với rượu mạnh của EU – không giải quyết được mối lo ngại của họ về mức thuế quan cuối cùng. Các nhà sản xuất châu Âu cảnh báo thuế quan của Trung Quốc vẫn có thể được áp dụng trong tương lai.
“Chúng tôi hiểu rằng, mức thuế có thể áp dụng cho các sản phẩm của chúng tôi khi kết thúc thủ tục điều tra sẽ khoảng 34,8%. Nếu được áp dụng, mức thuế như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu rượu cognac sang Trung Quốc – một thị trường chiếm tới 25% lượng xuất khẩu của chúng tôi”, Hiệp hội rượu cognac Pháp cho biết rõ.
“Do đó, toàn bộ một ngành sẽ trở thành nạn nhân phụ của một cuộc xung đột kinh tế ngoài tầm kiểm soát. … Chúng tôi hy vọng, Pháp và EU sẽ ngay lập tức đàm phán với phía Trung Quốc để không áp dụng và từ bỏ các mức thuế này”, tuyên bố cho biết.
Sau thông báo của Trung Quốc, cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu mạnh Pháp Remy Cointreau tăng 7,7% và Pernod Ricard tăng hơn 4,4%. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất Campari, Italy tăng 1,68%.
Quyết định của Trung Quốc được đưa ra khi Giám đốc điều hành của Pernod Ricard trình bày kết quả theo năm của công ty cho các nhà đầu tư. CEO Alexandre Ricard cho biết, công ty sẽ vẫn thận trọng với Trung Quốc vì quyết định không áp thuế dường như chỉ áp dụng cho thời điểm “hiện tại”. Ông từ chối bình luận thêm vì ông chưa có cơ hội xem xét tin tức.
Người phát ngôn của Pernod và Remy Cointreau đều chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.
Bắc Kinh đã công bố cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh của EU vào tháng 1. Các nhà sản xuất rượu cognac cho rằng, cuộc điều tra này liên quan một cuộc tranh chấp thương mại rộng lớn hơn chứ không phải chỉ thị trường rượu. Ngoài cuộc điều tra về rượu mạnh, Bắc Kinh cũng đã mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm từ sữa và thịt lợn từ EU trong những tháng gần đây.
Cuộc điều tra về sữa cũng đã được tiến hành vào tuần trước, một ngày sau khi Brussels công bố kế hoạch thuế quan sửa đổi đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Pháp cũng là nước xuất khẩu sữa lớn sang Trung Quốc vào năm ngoái với 211 triệu USD, các sản phẩm bị nhắm mục tiêu chủ yếu là sữa và kem.
“Đây có vẻ là một chiến thuật đàm phán từ Trung Quốc”, nhà phân tích Laurence Whyatt của Barclays nhận xét, dự kiến sau đây sẽ thấy “mối liên hệ” giữa thuế quan của EU đối với xe điện Trung Quốc và hành động của Bắc Kinh đối với việc nhập khẩu rượu mạnh của EU.
Liệu bằng cách này họ có thể thuyết phục EU hủy bỏ một số biện pháp thuế đã lên kế hoạch áp dụng không?
Một phát ngôn viên của EC đã lên tiếng “tuyên bố rắn” rằng, diễn biến này sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của họ về thuế xe điện, đồng thời mô tả hai cuộc điều tra là “hai hướng riêng biệt”.
Trong một tuyên bố khác, các nhà lãnh đạo EU cho biết, họ đang theo dõi cuộc điều tra “rất chặt chẽ”, trong khi đánh giá chi tiết của họ cho rằng, kết quả của cuộc điều tra của Bắc Kinh là “đáng ngờ”. “Do đó, họ sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc điều tra nhằm đảm bảo các quy tắc của WTO được tuân thủ… và sẽ không ngần ngại thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ các nhà xuất khẩu EU”, tuyên bố cho biết.
Giới quan sát quốc tế bình luận, động thái bất ngờ của Trung Quốc là một “kế cao tay” sau khi EU đã thẳng tay với kế hoạch áp thuế xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù sao thì EU cũng không thể không đặt mọi thứ lên bàn cân.