Hà Nội nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. (Ảnh: Hoài Nam) |
Theo đó, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội.
Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu… đến tìm hiểu và đầu tư.
Đặc biệt, Hà Nội với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định, với hai Viện Hàn lâm khoa học, hàng chục trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ; số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng… Hà Nội hiện có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn.
Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung là điểm đến đầu tư, gia tăng sản xuất.
Điển hình như: Apple đã chuyển 11 nhà máy vào Việt Nam; hãng công nghệ Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định vi mạch ở TP. Hồ Chí Minh với vốn đầu tư 4 tỷ USD tới năm 2025; Boeing, Google và Walmart đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường.
Đến nay, Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… (khoảng trên 40 công ty). Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như: Viettel, FPT, VNChip…
Đáng chú ý, tổ chức nghiên cứu Savills cũng chỉ ra, sự tăng đột ngột doanh số xuất khẩu điện tử và điện thoại phản ánh quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị.
Với những tiềm năng kể trên, Hà Nội được nhận định là một trong những tỉnh, thành phát triển ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn của cả nước.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội sẽ tập trung ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; chủ động nghiên cứu thị trường, lựa chọn định hướng nghiên cứu phù hợp, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam…
Đồng thời, thúc đẩy phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung; ưu tiên trong việc lựa chọn thử nghiệm, đầu tư, thuê, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của các doanh nghiệp; hợp tác nghiên cứu, đào tạo về công nghệ số với các trường đại học, cao đẳng; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng số…
Thời gian qua, Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố.