Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải bình cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTT&DL; đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các tác giả/nhóm tác giả đoạt giải.
Trước khi tiến hành Lễ trao giải, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Theo Ban tổ chức, kể từ ngày phát động, Giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước. Tác phẩm tham dự giải được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 15/6/2024.
Đến hết ngày gửi tác phẩm dự thi (20/6/2024 tính theo dấu bưu điện), BTC đã nhận được tổng số 920 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Hội đồng giám khảo đánh giá, tác phẩm dự Giải năm nay không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2023 – 2024 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều tác giả, nhóm tác giả quan tâm, khai thác như vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; vấn đề gìn giữ và phát huy, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa 54 dân tộc nói riêng; xây dựng nền công nghiệp giải trí, thị trường điện ảnh, thị trường sách và văn hóa đọc; phát triển du lịch, thể thao, xây dựng gia đình, bảo vệ trẻ em; đề tài gia đình, về truyền thống hiếu học với những tấm gương nhân vật sống hiếu thảo, nghĩa tình với cha mẹ; hướng độc giả tới những giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống …
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất. |
Báo in là loại hình báo chí có số lượng tác phẩm dự thi lớn nhất. So với giải thưởng lần thứ nhất, các tác phẩm dự thi lần này có nhiều bài viết tốt, chất lượng cao hơn, được đầu tư rất kỹ.
Các bài viết ở các góc độ khác nhau đã có những đề xuất giải pháp, phương hướng phát triển từng lĩnh vực một cách có trách nhiệm với tinh thần vừa động viên, cổ vũ, vừa đưa ra những kiến giải phù hợp với tình hình thực tế.
Loại hình báo điện tử có số lượng tác phẩm tham gia dự thi lớn thứ hai sau Báo in. Các cơ quan báo chí Trung ương tiếp tục có thế mạnh về các loạt bài, tác phẩm chuyên sâu, đa phương tiện.
Một số đơn vị báo chí gửi nhiều tác phẩm như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Văn hóa, Báo Dân trí, Tạp chí Lý luận Chính trị…
Các tác phẩm được chọn vào chung khảo hầu hết được trình bày dạng đa phương tiện như Mega Story, E-magazine với hình ảnh, video clip, podcast, đồ họa dữ liệu… được trình bày sống động, bắt mắt, tận dụng ưu thế của báo điện tử. Các tác phẩm có tính bao quát, lý luận về các vấn đề văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình.
Đối với loại hình phát thanh – truyền hình, tác phẩm dự thi ở loại hình phát thanh – truyền hình năm nay có số lượng nhiều hơn năm đầu tiên. Đáng chú ý, có nhiều tác phẩm nêu bật tấm gương tận tụy, hết lòng đóng góp vì sự nghiệp giữ gìn văn hóa, nghệ thuật dân tộc.
Các tác phẩm được giám khảo đánh giá tốt đều là tác phẩm được khán giả quan tâm, tạo hiệu ứng tuyên truyền. Nội dung sáng tạo, mới mẻ trong phát hiện đề tài. Cách kể chuyện hấp dẫn, có sức thuyết phục và nhất là nhuần nhuyễn trong sử dụng yếu tố đặc trưng của truyền hình đó là hình ảnh, lời bình, âm thanh.
Ảnh báo chí ghi nhận số lượng tác phẩm tham dự lớn. Số lượng tác phẩm ảnh báo chí ở địa phương, các tỉnh thành phố năm nay cao hơn, không chỉ khu vực các tỉnh miền Bắc mà có cả miền Trung và miền Nam. Các bộ ảnh năm nay đặt vấn đề tốt.
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của 119 tác phẩm do Hội đồng sơ khảo đề xuất vào Vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo đã tiến hành công tác chấm, xét giải trên tinh thần khẩn trương, công tâm, khách quan, bám sát Thể lệ, Quy chế. Kết quả, Hội đồng chung khảo đã chọn được 94 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 5 giải Nhất, 15 giải Nhì, 24 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các cá nhân, tập thể.
Ban tổ chức cũng trao 3 giải tập thể đồng hạng cho Báo Nhân Dân, Báo Văn Hoá và Thông tấn xã Việt Nam; là các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao.
Tại Giải lần này, Báo Thế giới và Việt Nam đoạt giải Khuyến khích với loạt bài “Phụ nữ vươn lên và toả sáng” của nhóm tác giả: Hoàng Diễm Hạnh, Nguyễn Trường Sơn, Vũ Quang Tùng, Phạm Thuý Hằng, Phạm Thị Thuận. |
Phát biểu tại Lễ phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Ba năm 2025, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng BTC Giải nhấn mạnh, lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư, chăm lo và đạt được những thành quả quan trọng.
Trong sự chuyển mình đó, có sự tham gia, đồng hành, chung lòng, góp sức không quản ngày đêm của các cơ quan báo chí, nhất là đội ngũ nhà báo giàu tâm huyết và sáng tạo – những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đã dành ngày càng nhiều hơn trí tuệ, dung lượng, thời lượng cho những tác phẩm về xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Thay mặt lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ trân trọng cảm ơn sự đóng góp quý báu, tâm huyết, hiệu quả của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đối với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong suốt thời gian qua, đặc biệt là quá trình tham gia Giải báo chí của ngành trong hai năm qua.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung trao giải Khuyến khích cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Ba năm 2025. |
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), nhằm tiếp tục lan toả những thành tựu của ngành, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân, Bộ VHTT&DL phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển VHTT&DL” lần thứ Ba năm 2025.
Phát huy những kết quả đạt được trong hai mùa giải qua, Bộ VHTTDL trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tiếp tục quan tâm, tìm tòi, phát hiện, tổ chức sản xuất và đăng tải những tác phẩm báo chí phản ánh sâu sắc, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sức lan tỏa về những thành tựu mà toàn ngành đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Chú trọng tuyên truyền sâu đậm về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, trọng tâm là Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Đồng thời, Bộ VHTT&DL mong muốn các cơ quan báo chí dưới góc nhìn xây dựng, phản biện sẽ có phân tích, luận giải, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, đề xuất giải pháp để phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thật sự là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của đất nước; được lượng hóa cụ thể hơn, toàn diện hơn trong văn kiện đại hội đảng các cấp, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.