Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và hiệu quả chuỗi giá trị nông sản – một yếu tố cốt lõi trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam. Tham dự Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nông nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, trong gần 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng, là yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Nhất là duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
“Điều này phần nào khẳng định việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo, trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 HTX nông nghiệp và hàng chục nghìn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên HTX là nông dân”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá.
Toàn cảnh Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản”, ngày 28/8 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi) |
Vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.
Bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh: “Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như thỏa mãn nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cần nhìn nhận một thực tế là vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Và một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.
Trong đó, ở một số ngành hàng nông sản, mối liên kết ngang giữa các hộ nông dân thông qua hình thức tổ hợp tác và HTX thậm chí mới dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hoặc để tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ chương trình, dự án trong và ngoài nước, chưa thực hiện được hình thức cung ứng và tiêu thụ tập trung. Hoặc như trong khâu sơ chế biến chỉ mới dừng lại ở mức độ thỏa thuận không chính thức về phân vùng thu mua nguyên liệu, chưa hình thành liên kết ngang để thống nhất giá cả và chất lượng.
Thêm vào đó, liên kết giữa các tổ hợp tác/HTX trong một số ngành hàng cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ liên kết mang tính thời vụ, chưa mang tính chia sẻ rủi ro và lợi ích, do vậy vẫn chưa đạt được tính bền vững cao. Nhìn chung, các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thật sự vững chắc.
Không những vậy, số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Chưa có nhiều HTX có năng lực tổ chức liên kết, phát huy vai trò cầu nối thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp, để chuỗi giá trị nông sản Việt phát triển bền vững và hiệu quả đòi hỏi phải khắc phục những hạn chế cố hữu này. Nhất là cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, cần củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi.
Ngoài ra, trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch của thị trường trong và ngoài nước hiện đang đặt ra yêu cầu chuỗi giá trị nông sản phải hướng tới thúc đẩy các nông dân, HTX, doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi của mình nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tính cấp thiết phải chuyển đổi sang hệ thống nông sản thực phẩm xanh, phát thải thấp, đồng thời “xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội” đang đặt ra yêu cầu cho chuỗi giá trị nông sản Việt cần góp phần tạo ra những thay đổi bền vững trong quy trình canh tác và chế biến.
6 giải pháp phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị nông sản là vấn đề quan trọng đối với tăng trưởng, phát triền bền vững của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong bối cảnh mới, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nông nghiệp được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ngành Nông nghiệp sẽ không ngừng phát triển, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản, góp phần xây dựng, nâng tầm nông sản Việt trên thị trường thế giới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Nông nghiệp mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, từ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã đến người nông dân.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã nêu 6 giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản:
Một là, đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và an toàn.
Hai là, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi, sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường…
Ba là, xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn, và chuyển giao công nghệ phù hợp, giúp người nông dân nắm bắt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các chương trình đào tạo, tập huấn cho người nông dân về các kỹ thuật sản xuất hiện đại, quản lý sản xuất và tiếp cận thị trường. Việc đào tạo sẽ giúp nâng cao trình độ và kỹ năng của người nông dân, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất…
Bốn là, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau. Đồng thời, việc xây dựng các chuỗi liên kết theo mô hình “từ nông trại đến bàn ăn” sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị gia tăng.
Cùng với đó, hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX kiểu mới…
Năm là, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế là một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản Việt Nam; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam.
Sáu là, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Các biện pháp như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ đất đai và đa dạng sinh học cần được áp dụng rộng rãi. Việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án nông nghiệp xanh cũng sẽ góp phần quan trọng vào phát triển bền vững.