Một góc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Nguồn: Cổng TTĐT BN) |
Cách đây 25 năm, Huyện Tiên Du được tái lập (1/9/1999-1/9/2024) trên cơ sở chia tách huyện Tiên Sơn thành 2 huyện Tiên Du và Từ Sơn theo Nghị định số 68/CP ngày 9/8/1999 của Chính phủ.
Huyện Tiên Du nằm ở phía Bắc của tỉnh Bắc Ninh, diện tích 95,6km2, dân số gần 196.000 người. Huyện có 14 đơn vị hành chính trong đó 1 thị trấn, 13 xã. Trung tâm huyện cách thành phố Bắc Ninh khoảng 5km, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km.
Trong hành trình 25 năm qua, huyện Tiên Du đã không ngừng phấn đấu, phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội xứng tầm, để người dân thụ hưởng đẩy đủ mọi thành quả tốt đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chăm lo cho đời sống, phúc lợi của người dân
Theo phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiên Du sẽ trở thành một trong 4 thành phố của tỉnh Bắc Ninh. Thành phố Tiên Du sẽ trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ công cộng, thương mại, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, trải nghiệm, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Với lợi thế về giao thông liên kết vùng giữa tỉnh Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội, huyện Tiên Du đang là trọng điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư công nghiệp của tỉnh với 3 khu công nghiệp: Tiên Sơn, Đại Đồng – Hoàn Sơn, một phần KCN VSIP với tổng diện tích đất công nghiệp khoảng 1.000ha, thu hút hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Song song với phát triển kinh tế, chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội được huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Trong 25 năm qua, huyện đã xây dựng 875 ngôi nhà, trở thành huyện đi đầu trong xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách, người có công. Nhiều công trình phúc lợi được xây dựng phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng ở các địa bàn dân cư. Huyện hiện không có hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Đồng thời, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác cho người lao động được quan tâm. Công tác xóa đói giảm nghèo được huyện sát sao chỉ đạo, thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, số hộ giàu, hộ khá ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm từ 12,7% năm 1999 xuống còn 1,02% năm 2023.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân của huyện có những chuyển biến quan trọng, tích cực. Hệ thống y tế từ huyện đến xã được củng cố và hoàn thiện về mọi mặt, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể là: chất lượng nguồn nhân lực đang từng bước được nâng cao; phòng y tế có 100% công chức trình độ từ Đại học trở lên; trung tâm y tế có 15,8% viên chức có trình độ sau đại học, 50% có trình độ đại học, 25,5% có trình độ Cao đẳng… Đáng chú ý, 100% trạm y tế xã, thị trấn có ít nhất 1 bác sĩ. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu chuyên môn.
Nhờ đó, huyện đã khống chế và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn, đặc biệt đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, dịch tả năm 2008, dịch sốt xuất huyết năm 2017, dịch Sởi-Rubella năm 2019.
Trong công tác khám chữa bệnh, các y bác sĩ huyện Tiên Du đã cấp cứu và điều trị thành công nhiều bệnh nhân nặng nguy hiểm, hạn chế phải chuyển tuyến; đã điều trị thở máy, chạy thận nhân tạo, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, mở màng phối cấp cứu… không có tai biến nặng nề trong khám chữa bệnh; triển khai được 3.857 kỹ thuật trong phân tuyến và 43 kỹ thuật vượt tuyến.
Chú trọng “ươm mầm”
Tiên Du luôn xác định giáo dục là lĩnh vực mũi nhọn nhằm “ươm mầm” cho các thế hệ trẻ xây dựng và đóng góp vào chính tương lai của huyện.
Thuở mới tái lập, lĩnh vực giáo dục của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn: trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn nhiều; tỷ lệ phòng học kiên cố còn rất thấp, đội ngũ giáo viên giỏi tỉnh ít, học sinh giỏi cấp tỉnh còn quá thấp; cả huyện chỉ có 1 trường chuẩn quốc gia.
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tính đến thời điểm năm học 2023-2024, toàn huyện có 52 trường công lập, trong đó: Mầm non có 21 trường, Tiểu học 16 trường, THCS 15 trường. Cơ sở vật chất khang trang, 100% các phòng học kiên cố, 48/52 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 2.
Đến nay, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 2. Đồng thời, chất lượng giáo dục được nâng cao, Mầm non độ tuổi nhà trẻ đạt yêu cầu 98%, độ tuổi Mẫu giáo đạt 99%. Cấp Tiểu học, tỉ lệ hoàn thành xuất sắc 34,95%; hoàn thành tốt 25,24%; hoàn thành 39,07%; khen thưởng 61,99%. Học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt tỉ lệ 99,41%. Học sinh hoàn thành chương tình Tiểu học đạt 99,97%. Đối với giáo dục THCS tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt là 91,8%, học lực giỏi là 27,3%; tỉ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,92%.
Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn, học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024 đạt tổng số 51 giải gồm 1 giải Nhất, 8 giải Nhì, 13 giải Ba, 29 giải Khuyến khích. Kết quả thi vào THPT Chuyên Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vững chắc ở vị trí thứ 2 của tỉnh với tổng số 67 học sinh thi đỗ. Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 đạt tổng điểm bình quân chung 3 môn 34,67 điểm, củng cố vững chắc vị trí tốp đầu toàn tỉnh Bắc Ninh.
Nghệ nhân, liền chị Câu lạc bộ Quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du. (Nguồn: Cổng TTĐT BN) |
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Tiên Du nằm trong vùng Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào, vinh dự to lớn của con người và vùng đất địa linh nhân kiệt Bắc Ninh – Kinh Bắc với bạn bè trong nước và quốc tế. Trong chiều dài lịch sử, Tiên Du còn được biết đến là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện chú trọng, nhiều di tích lịch sử được quan tâm đầu tư nâng cấp, đến nay huyện có 24 di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia, 60 di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh.
Các công trình, di tích lịch sử được quan tâm, đầu tư, trùng tu, nâng cấp thành các di tích lịch sử – văn hóa, tiêu biểu như: Chùa Phật Tích, chùa Hồng Ân, chùa Bách Môn… Trong đó, chùa Phật Tích được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, là điểm đến của nhiều Phật tử, du khách thập phương.
Hằng năm, trên địa bàn huyện nhiều lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân trong đó có 2 lễ hội lớn nhất là Hội Khán hoa Mẫu đơn chùa Phật Tích và Hội Lim diễn ra vào đầu tháng Giêng, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan trẩy hội.
Kế thừa và phát huy di sản truyền thống, đời sống văn hóa – thông tin và thể thao của huyện có nhiều tiến bộ; chất lượng, hiệu quả các phong trào được nâng lên; thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia về văn hóa theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo sự chuyển biến mới về cảnh quan, môi trường, nếp sống văn minh. Toàn huyện hiện có 62 làng văn hóa và 41.564 gia đình văn hóa.
Những thành tựu về mọi mặt kể trên đã phản ánh hành trình 25 năm tích cực phát triển, hội nhập nhưng vẫn giữ đậm đà bản sắc dân tộc của huyện Tiên Du. Thành quả này có được là nhờ sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng đi lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Du. Hướng tới tương lai, huyện Tiên Du đang tiếp tục phấn đấu trở thành thành phố xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Nguồn:https://baoquocte.vn/tien-du-bac-ninh-hanh-trinh-25-nam-hoi-nhap-va-luu-giu-van-hoa-284089.html