Giá cà phê hôm nay 27/8/2024
Giá cà phê thế giới trên sàn New York tiếp tục xu hướng tăng giá mạnh ngay đầu tuần, khi thị trường London nghỉ không giao dịch.
Giá cà phê trong nước vượt 120.000 đồng/kg trong phiên giao dịch đầu tuần, hiện dao động trong khoảng 119.200 – 120.200 đồng/kg.
Đầu tuần này, giá cà phê arabica tiếp tục tăng khi chỉ có sàn New York giao dịch. Đồng USD giảm sâu do đầu cơ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm lãi suất ngay cuộc họp tháng 9 này. Những thông tin thuận lợi về kỳ vọng lãi suất tiếp tục là động lực thúc đẩy thị trường.
Trong khi giá cà phê robusta toàn cầu trước khi nghỉ phiên giao dịch đầu tuần đã biến động theo xu hướng tăng mạnh, do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam và sản lượng mùa vụ của nhiều nguồn khác không như mong muốn. Trong đó, nguyên nhân để cả 2 loại cà phê tiếp tục tăng mạnh có yếu tố từ điều kiện thời tiết bất lợi ở Brazil và Việt Nam đe dọa đến mùa vụ cà phê toàn cầu. Giá cà phê robusta đã đạt mức cao nhất trong 15 năm, cho thấy sự mất cân bằng cung cầu.
Một cuộc thăm dò của Reuters được thực hiện với 11 nhà phân tích thương mại và thị trường hàng đầu cho thấy, thặng dư cà phê toàn cầu tính từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024 khoảng 700.000 bao. Lượng thặng dư cho niên vụ cà phê từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025 là khoảng 150.000 bao, đây một lượng dự trữ rất nhỏ cho cả thế giới. Cuộc thăm dò kết luận rằng, thị trường cà phê sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo tăng giá vào cuối năm.
Giá cà phê trong nước chốt phiên đầu tuần (26/8) tăng nhẹ 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Newtimes) |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch đầu tuần (ngày 26/8), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London giữ nguyên mức giá do nghỉ giao dịch Ngày nghỉ lễ Ngân hàng mùa Hè, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 225 USD, giao dịch tại 5.128 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 tăng 141 USD giao dịch tại 4.715 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 2,35 Cent, giao dịch tại 249,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 tăng 2,35 Cent, giao dịch tại 247,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước chốt phiên đầu tuần (26/8) tăng nhẹ 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, hiện giá cà phê phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có biến đổi khí hậu, cạnh tranh địa chính trị, trừng phạt kinh tế, căng thẳng về đường vận tải quốc tế…
Yếu tố đầu cơ cũng đóng vai trò lớn trong mỗi đợt thị trường có biến động lớn. Trên sàn giao dịch London và New York, nhà đầu cơ tài chính chủ yếu tập trung vào vàng và cà phê.
Giá cà phê robusta toàn cầu được dự đoán sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài, do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ những vùng trồng chính, sẽ khiến giá cà phê duy trì mức giá cao đến giữa năm 2025.
Vào cuối tháng 10/2024, khi nguồn cung Việt Nam bắt đầu vụ thu hoạch mới, lúc đó nguồn cung ra thị trường dồi dào hơn có thể có tác động nào đó đến giá thị trường. Tuy nhiên, vụ năm nay, giới trong ngành dự báo, diễn biến giá xuất khẩu sẽ không điều chỉnh giảm mạnh, ngay cả khi nguồn cung tăng lên trong ngắn hạn. Giá năm nay có thể chỉ điều chỉnh nhẹ, duy trì mức từ 100.000 đồng/kg trở lên.
Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu gần 37.000 tấn cà phê với kim ngạch đạt 195 triệu USD, giảm 7,5% về lượng nhưng tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt kỷ lục 5.293 USD/tấn, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15.8, Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,8 tỉ USD, giảm 12% về lượng và tăng mạnh 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Liên quan đến luật chống phá rừng, Thương vụ Việt Nam tại EU cho biết: EU mới đưa ra các hướng dẫn chi tiết thực hiện, luật này sẽ có hiệu lực từ 31/12/2024 và áp dụng từ 30/6/2025 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, hàng hóa phải được sản xuất hợp pháp và không chịu tác động của tình trạng phá rừng. Dữ liệu vị trí địa lý của khu vực sản xuất phải được thu thập. Hàng hóa được sản xuất bất hợp pháp, trên đất bị phá rừng sau ngày 31/12/2020 hoặc không thể truy xuất nguồn gốc, không tuân thủ các quy định sẽ không thể đưa vào thị trường EU.