IMF kỳ vọng GDP toàn cầu năm 2024 và 2025 lần lượt là 3,2% và 3,3%. (Nguồn: Business Standard) |
Tuy nhiên, đây là một hành trình đầy biến động, bắt đầu với sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực do xung đột Nga-Ukraine gây ra, lạm phát tăng đột biến, tiếp theo là chính sách tiền tệ thắt chặt đồng loạt trên toàn cầu và tăng trưởng kinh tế thế giới chạm đáy vào cuối năm 2022.
Đối mặt với “gió ngược”
Báo cáo Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới mới nhất (7/2024), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên kỳ vọng GDP toàn cầu năm 2024 và 2025 ổn định – lần lượt là 3,2% và 3,3%, nhưng sự khác biệt về động lực tăng trưởng giữa các nền kinh tế đã thu hẹp đáng kể.
Các chuyên gia IMF nhận định, kinh tế thế giới năm 2024 đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên. Kể từ đầu năm 2024, kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều cú sốc như căng thẳng địa chính trị leo thang, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt…
Tuy nhiên, các nền kinh tế đã đứng vững, cho thấy sự thích ứng tốt trong bối cảnh các “cơn gió ngược” dồn dập ập tới. Theo đó, năm 2024 đánh dấu hoạt động kinh tế khởi sắc trên toàn cầu, “hoạt động thương mại thế giới đã tăng lên vào đầu năm, được thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ từ châu Á, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ”, theo nhận định của IMF.
Trung Quốc và Ấn Độ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy hoạt động này.
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới điều chỉnh lên 5% do tiêu dùng tư nhân phục hồi và xuất khẩu mạnh, dù nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi suy thoái trong lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ dự kiến đạt 7%, do triển vọng tiêu dùng tốt hơn và hiệu quả hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất.
Khu vực đồng Euro (Eurozone) cho thấy những dấu hiệu phục hồi, trong đó, diễn biến khả quan là tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục được giữ ở mức thấp kỷ lục. Nền kinh tế khu vực đã thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng cao hơn dự kiến là 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2024.
Tuy nhiên, trong khi nhiều nước chứng kiến mức tăng trưởng tốt hơn mong đợi trong sáu tháng đầu năm, các chuyên gia IMF đã lưu ý trường hợp hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Nhật Bản.
Cụ thể, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm 2024 đã bị hạ xuống còn 2,6%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư.
Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến tăng trưởng ít hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, đạt 0,7% trong năm nay. Theo IMF, nguyên nhân chủ yếu là do gián đoạn nguồn cung tạm thời và đầu tư tư nhân yếu.
Tương lai không màu hồng
Nhìn chung, về tổng thể, rủi ro đối với triển vọng kinh tế năm 2024 vẫn tương đối cân bằng, tuy nhiên, một số rủi ro ngắn hạn đã xuất hiện trở lại. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố tháng 6/2024, các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) đặc biệt nhấn mạnh ba rủi ro, liên quan lạm phát, lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị.
Theo đó, khả năng leo thang xung đột ở Trung Đông, căng thẳng Nga-Ukraine là nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, gây sức ép lên các thị trường, đẩy giá dầu và chi phí vận chuyển lên cao hơn. Trong đó, Vùng Vịnh là nguồn cung dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, chiếm khoảng 48% trữ lượng và 33% sản lượng dầu của toàn cầu. Nếu sự gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông xảy ra sẽ tác động tiêu cực trực tiếp đến nhiều nền kinh tế.
Theo các chuyên gia WB, xung đột leo thang cũng có thể tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, làm gia tăng lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu và giám tiếp cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, liên quan vấn đề lãi suất cao, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ như được dự báo vào cuối năm 2023 gần như đã lắng xuống trong thời gian gần đây, khi các ngân hàng trung ương lớn đối mặt với thực tế là lạm phát dai dẳng hơn dự kiến.
Chuyên gia kinh tế Ayhan Kose của WB nhận định, lạm phát lõi vẫn tương đối cao và có thể tiếp tục duy trì như vậy. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn trì hoãn cắt giảm lãi suất. Các điều kiện tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục bị thắt chặt. Ngay cả với những ngân hàng trung ương lớn đã hạ lãi suất như ECB, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm cũng không nhiều.
Ngoài ra, một thách thức lớn khác là căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, ngoài “cặp đôi” Mỹ – Trung, đã nổi lên các vấn đề giữa Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU)… Washington hồi tháng 5/2024 đã tuyên bố tăng thuế đối với 18 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tiếp đó, đến lượt EU tuyên bố áp dụng các mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Các động thái này nhiều khả năng sẽ kéo theo các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc.
Các nhà phân tích của IMF nhận định, sự gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt là giữa bộ ba Mỹ, Trung Quốc và EU có thể là những trở ngại lớn nhất đối với đà phục hồi của kinh tế thế giới, gây tổn hại lớn cho kinh tế toàn cầu. Trong trường hợp xấu nhất, xung đột thương mại có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại tới 7% GDP.
Trong khi đó, các chuyên gia WB cảnh báo, căng thẳng thương mại leo thang cũng có thể làm tăng rủi ro lạm phát trong ngắn hạn, vì đẩy chi phí hàng hóa nhập khẩu lên cao. Lạm phát cao hơn có thể làm tăng khả năng lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, làm gia tăng rủi ro tài chính.
Cuối cùng, giới phân tích cũng lo ngại, chao đảo chính sách tiềm tàng bắt nguồn từ các cuộc bầu cử trong năm nay có thể lan truyền tác động tiêu cực sang phần còn lại của thế giới, kéo theo các rủi ro bào mòn tài khóa và nguy cơ nợ nần, dẫn đến xu hướng hình thành chủ nghĩa bảo hộ.
Với quan điểm thận trọng, Nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như đang dần ổn định sau hàng loạt tác động của đại dịch Covid-19, xung đột quân sự, lạm phát và các chính sách thắt chặt tiền tệ… song cần lường trước mọi biến cố trên hành trình đầy biến động này, bởi mức tăng trưởng hiện nay vẫn thấp hơn so với trước năm 2020.
Nguồn:https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-van-dang-rat-kien-cuong-283470.html