Việc EU áp dụng các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga diễn ra chậm chạp. (Nguồn: RIA Novosti) |
Trong bài viết mới đây trên UK in a changing Europe, Tiến sĩ Francesca Batzella, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế, Đại học Hertfordshire (Anh) phân tích về sự phát triển của các lệnh trừng phạt năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.
Chuyên gia này nhấn mạnh, trong khi EU “từ từ nhưng chắc chắn” mở rộng vai trò của mình, khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt đã bị hạn chế bởi nhiều ưu tiên về chính sách năng lượng của các quốc gia thành viên.
Sự chia rẽ sâu sắc
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine (tháng 2/2022), EU phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Năm 2020, liên minh đã nhập khẩu 46,1% khí đốt tự nhiên từ xứ bạch dương. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc khác nhau trên khắp EU, với một số quốc gia như Litthuania, Slovakia và Hungary phụ thuộc nhiều hơn các nước khác.
Mặc dù vậy, EU vẫn có thể áp đặt các lệnh trừng phạt năng lượng Nga. Đây là hành động đáng kể và chưa từng có.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt năng lượng Moscow diễn ra chậm chạp, với các biện pháp hạn chế đối với than, dầu và gần đây nhất là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên đã dẫn đến các cuộc đàm phán kéo dài và thường xuyên “làm loãng” các biện pháp.
Nhìn lại 2 năm qua, mọi người đều thấy rõ sự gia tăng của các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga của EU, với các cuộc đàm phán tiết lộ những chia rẽ giữa các quốc gia thành viên về chính sách năng lượng.
Sau khi nổ ra xung đột, cuộc tranh luận tập trung vào việc liệu Nga có nên bị trừng phạt ngay từ đầu hay không. Các quốc gia như Áo, Hungary và Italy muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt hạn chế hơn trong khi các quốc gia thành viên vùng Baltic và Trung-Đông Âu muốn cứng rắn và ngay lập tức.
Một luồng chia rẽ khác xuất hiện về việc nên nhắm mục tiêu vào nguồn năng lượng nào. Trong khi một số quốc gia, chẳng hạn như Pháp, có vẻ sẵn sàng xem xét các biện pháp trừng phạt nhắm vào hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, thì các thành viên khác – như Áo, Đức, Italy, Slovakia và những nước phụ thuộc vào năng lượng của Nga – lại phản đối các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và than đá nhập khẩu.
Các biện pháp hạn chế đáng kể về năng lượng cuối cùng chỉ được thông qua trong gói trừng phạt thứ 5 (ngày 8/4/2022) với lệnh cấm mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển than đá và các nhiên liệu hóa thạch rắn khác vào EU nếu chúng có nguồn gốc từ Nga hoặc được xuất khẩu từ nước này. Trong quá trình đàm phán, các quốc gia ít phụ thuộc vào than đá của Moscow đã thúc đẩy lệnh cấm vận ngay lập tức, trong khi những nước phụ thuộc nhiều hơn lại yêu cầu thời gian chuyển tiếp dài hơn.
Một số nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi trừng phạt dầu mỏ và khí đốt vào giai đoạn này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel lập luận rằng “sớm muộn gì” cũng cần áp dụng thêm các biện pháp đối với nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng vẫn còn sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên, với các nước phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch của Nga như Hungary, Đức và Áo kiên quyết phản đối trong khi Pháp, Italy, Ba Lan và các nước vùng Baltic lại thúc đẩy các biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Các cuộc đàm phán căng thẳng tiếp tục diễn ra và biện pháp trừng phạt năng lượng đã được thông qua trong gói thứ 6 (ngày 3/6/2022) với lệnh cấm vận dầu một phần. Một lần nữa, lại có một ranh giới phân chia giữa các quốc gia kêu gọi lệnh cấm vận dầu ngay lập tức và các quốc gia phản đối. Lần này, các yếu tố bổ sung đã xuất hiện.
Những nước không giáp biển như Slovakia và Czech bày tỏ lo ngại vì họ phụ thuộc vào dầu của Nga được vận chuyển qua đường ống, không có quyền tiếp cận nguồn thay thế. Hy Lạp, Cyprus và Malta lo ngại rằng việc cấm các dịch vụ của EU vận chuyển dầu Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích thương mại của họ.
Để giải quyết những lo ngại này, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một “đề xuất điều chỉnh” cho Hungary, Slovakia và Czech bằng cách thêm thời gian để các nước chuẩn bị cho sự thay đổi nguồn cung cấp năng lượng và giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng dầu mỏ.
Lệnh cấm vận một phần bao gồm dầu và các sản phẩm dầu mỏ nhưng cho phép miễn trừ tạm thời đối với dầu thô được vận chuyển qua đường ống cuối cùng đã được nhất trí. Một giai đoạn chuyển tiếp cũng đã được đưa ra để giải quyết những lo ngại do Hy Lạp, Malta và Cyprus nêu ra.
Mặc dù một số quốc gia thành viên kêu gọi áp dụng lệnh trừng phạt đối với khí đốt và năng lượng hạt nhân, các biện pháp trừng phạt tiếp theo bao gồm mức trần giá trần chỉ được đưa ra trong gói thứ 8 (ngày 5/10/2022). Mức giá trần này cho phép các nhà khai thác châu Âu vận chuyển dầu của Nga đến các nước thứ ba, với điều kiện giá dầu vẫn nằm trong mức giá trần đã định trước.
Một lần nữa, Hy Lạp, Cyprus và Malta bày tỏ lo ngại rằng biện pháp này sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế của họ khi hoạt động kinh doanh bị phụ thuộc vào các quốc gia khác. Cuối cùng, EU phải đưa ra một số nhượng bộ trong gói để giải quyết những lo ngại này.
Dự án LNG 2 ở Bắc Cực của Nga. (Nguồn: TASS) |
Chậm chạp và hạn chế tác dụng
Hai năm sau xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt năng lượng Nga của EU đã được thông qua một cách chậm chạp. Hơn nữa, chúng bị hạn chế và chỉ nhắm vào một số mặt hàng. Và cho đến gần đây, các lệnh trừng phạt vẫn bỏ qua khí đốt – mặt hàng chiến lược của Nga và có tầm quan trọng nhất đối với năng lượng EU.
Mãi đến tháng 6/2024, một số biện pháp trừng phạt LNG của Nga mới chính thức được đưa vào gói trừng phạt thứ 14. Theo đó, lệnh trừng phạt cấm các dịch vụ nạp lại LNG của Nga trên lãnh thổ EU. Giống như nhiều biện pháp đối với các nguồn năng lượng khác, đây không phải là lệnh cấm vận hoàn toàn.
Thay vào đó, EU cấm các nhà xuất khẩu khí đốt của Nga sử dụng các cảng của liên minh để chuyển khí đốt giữa các tàu chở dầu lớn và các tàu nhỏ hơn dành cho các nước thứ ba, nhưng không có lệnh cấm hoàn toàn đối với các quốc gia của khối mua nhiên liệu.
Trong các cuộc đàm phán này, Hungary và Đức đóng vai trò là phe thiểu số ngăn chặn. Berlin phản đối cái gọi là “điều khoản không Nga” vốn sẽ cấm các công ty con của các doanh nghiệp EU tại các nước thứ ba tái xuất hàng hóa sang Nga.
Các cuộc đàm phán gia tăng và chậm chạp trên cho thấy, EU đang dần nổi lên như một bên có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt. “Chậm” vì những hạn chế của nội bộ giữa các quốc gia thành viên, và “chắc” với việc 14 gói trừng phạt được thông qua kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
EU đã triển khai 14 gói trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có các biện pháp nhắm tới năng lượng của nước này. Tuy nhiên, các gói trừng phạt được cho là chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7 vừa qua, Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Trước đó, Tổng thống nước này Vladimir Putin tuyên bố, nền kinh tế xứ bạch dương đang lớn mạnh và trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng từng dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả nền kinh tế phát triển trong năm 2024.
GDP của Nga được WB dự đoán sẽ tăng 3,2%, vượt qua tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Bất chấp 14 gói trừng phạt với quy mô lớn chưa từng có từ phương Tây, kinh tế Nga vẫn đang cho thấy sức mạnh của mình.
Theo giới phân tích, chính sách cấm vận và áp giá trần chỉ khiến dòng chảy năng lượng Nga đổi hướng, chuyển từ phương Tây sang phương Đông. Doanh thu dầu khí Nga trong nửa đầu năm nay đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 65 tỷ USD.
Rõ ràng, khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga của EU đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều ưu tiên về chính sách năng lượng hiện có trên khắp các quốc gia thành viên. Điều này đã khiến các cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng, dẫn đến các biện pháp cấm vận không đủ mạnh.