Sunday, September 8, 2024
#
HomeVăn hóaNgoại giao triều Nguyễn có gì

Ngoại giao triều Nguyễn có gì


Lần đầu tiên, những tài liệu đặc sắc về hoạt động ngoại giao nước ta trong hơn 50 năm đầu độc lập, tự chủ dưới triều Nguyễn (1802-1858) sẽ được công bố trong triển lãm ảo của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Bức anh mô tả sự kiện năm 1825, Bá tước Đại tá hải quân Pháp đến Đà Nẵng xin đặt lãnh sự và thông thương, vua Minh Mạng từ chối. (Nguồn: Tư liệu trong triển lãm)
Bức ảnh mô tả sự kiện năm 1825, Bá tước, Đại tá hải quân Pháp đến Đà Nẵng xin đặt lãnh sự và thông thương, vua Minh Mạng từ chối. (Nguồn: Tư liệu trong triển lãm)

Ngày 22/8, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) sẽ khai trương triển lãm ảo “Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông-Tây” giới thiệu đến công chúng hàng trăm tài liệu đặc sắc, lần đầu được công bố về hoạt động ngoại giao của nước Việt trong hơn 50 năm đầu độc lập, tự chủ dưới triều Nguyễn (1802-1858), trước khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.

Phần nhiều trong số đó là các văn bản được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, có thể kể đến các hiện vật, tư liệu như: Châu bản năm Gia Long thứ 16 (1817) cho biết: Tàu đem theo lễ vật của vua Ba Lãng Sa (Pháp) tặng vua nước Việt Nam để tỏ tình hữu hảo; năm 1825, Bá tước Đại tá hải quân Pháp đến Đà Nẵng xin đặt lãnh sự và thông thương, vua Minh Mạng từ chối; Họa đồ hành trình đi sứ Trung Hoa thời Minh Mạng (1825)…

Với không gian 3D độc đáo, triển lãm sẽ đưa người xem trở về lịch sử thông qua hai phần: “Đóng cửa Tây” và “Mở cửa Đông.”

Họa đồ hành trình đi sứ Trung Hoa thời Minh Mạng (1825).
Họa đồ hành trình đi sứ Trung Hoa thời Minh Mạng (1825). (Nguồn: Tư liệu trong triển lãm)

Tại phần 1, tư liệu Châu bản triều Nguyễn cho thấy các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức trong quan hệ với các nước phương Tây đã thực hiện nhất quán chính sách “tự thủ,” “khép kín.” Mặc dù vậy, triều Nguyễn không hoàn toàn “tuyệt giao” với những gì liên quan đến phương Tây.

Điển hình là vua triều Nguyễn từng gửi phái bộ đi xem xét tình hình, mua đồ thiết yếu, súng đạn, học hỏi về khoa học kỹ nghệ của các nước Tây phương. Ngoài ra, tàu thuyền của các nước Anh, Pháp, Mỹ cũng không ít lần nhận được sự giúp đỡ, đón tiếp của triều Nguyễn. Một số nhà nho còn dâng điều trần đề nghị giao hảo với phương Tây.

Tư liệu phần 2 “Mở cửa Đông” trưng bày trang đầu văn bản năm Gia Long thứ 16 (1817) nói về tàu đem theo lễ vật của vua Ba Lãng Sa (Pháp) tặng vua nước Việt Nam để tỏ tình hữu hảo.

Phái bộ Pháp-Tây Ban Nha. (Nguồn: Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp)
Phái bộ Pháp-Tây Ban Nha. (Nguồn: Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp)

Nhiều tư liệu khác cho thấy trong khi thực hiện chính sách “không phương Tây,” vua triều Nguyễn lại ưu tiên phát triển mối quan hệ với các nước phương Đông như Cao Miên, Vạn Tượng, Xiêm La, Nam Chưởng, Thủy Xá, Hỏa Xá…, đặc biệt với nước láng giềng Trung Quốc.

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tìm hiểu hoạt động ngoại giao của tiền nhân cũng là cách để chúng ta có thể “gạn đục khơi trong,” đúc rút ra những giá trị cho cuộc sống đương đại.

Triển lãm được kỳ vọng sẽ mang đến cho người xem những trải nghiệm, khám phá thú vị, thông tin bổ ích, góc nhìn mới mẻ và hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động ngoại giao của nước ta dưới triều Nguyễn.

Triển lãm hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8), bắt đầu lúc 8h ngày 22/8 tại website Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Fanpage của Trung tâm.



Nguồn:https://baoquocte.vn/ngoai-giao-trieu-nguyen-co-gi-282928.html

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem