Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris phát biểu trước 300 ngường ủng hộ tại tiểu bang Bắc Caroline hôm 16/8. (Nguồn: Reuters) |
“Là tổng thống, tôi sẽ tập trung cao độ vào việc tạo ra các cơ hội cho tầng lớp trung lưu, thúc đẩy an ninh kinh tế, sự ổn định và phẩm giá của họ. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng điều mà tôi gọi là nền kinh tế cơ hội… một nền kinh tế mà mọi người đều có thể cạnh tranh và có cơ hội thực sự để thành công”, bà Harris nhấn mạnh trước đám đông khoảng 300 người ủng hộ tại một trường Cao đẳng cộng đồng ở tiểu bang Bắc Carolina.
Chỉ còn 80 ngày nữa là đến cuộc bầu cử vào tháng 11, bài phát biểu dài 28 phút của bà được cho là đã mở rộng một số chính sách do Tổng thống Biden thúc đẩy, bao gồm kế hoạch xây dựng 3 triệu ngôi nhà mới, ban hành khoản tín dụng thuế lên tới 3.600 USD hàng năm và cấm các công ty thực phẩm “thổi giá”.
Mặc dù không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng bà Harris cũng đưa ra sự tương phản với các hạn chế nhập khẩu do ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa – ông Donald Trump đề xuất. Theo đó, cựu Tổng thống đã đe dọa sẽ ban hành mức thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và lên tới 200% đối với tất cả các loại xe nhập khẩu, bao gồm cả xe từ Bắc Kinh.
“Ông ấy muốn áp đặt thuế đối với các sản phẩm hàng ngày và nhu yếu phẩm cơ bản mà chúng ta nhập khẩu từ các quốc gia khác, điều này sẽ tàn phá người Mỹ”, bà Harris chỉ trích, đồng thời dẫn chứng tính toán của các chuyên gia kinh tế cho thấy kế hoạch của ông Trump sẽ khiến “một gia đình trung bình mất 3.900 USD/năm. Vào thời điểm này, khi giá cả hàng ngày quá cao, ông ấy sẽ khiến giá cả còn cao hơn nữa”, bà nói.
Theo bà Harris, nền kinh tế Hoa Kỳ là nền kinh tế mạnh nhất thế giới và chuỗi cung ứng đang được cải thiện sau đại dịch, nhưng giá cả hiện vẫn neo ở mức cao. Bà cũng đối chiếu cách tiếp cận của mình với các chính sách có lợi cho người Mỹ giàu của ông Trump.
“Ông ấy có kế hoạch cắt giảm thuế lớn cho các tỷ phú qua từng năm và ông ấy cũng có kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp hơn một nghìn tỷ USD, ngay cả khi họ thu về lợi nhuận kỷ lục. Nếu bạn muốn biết họ quan quan tâm đến ai, hãy xem họ đấu tranh vì ai”, bà Harris cho hay.
Dự kiến, tình hình việc làm, các doanh nghiệp nhỏ và tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục là những chủ đề mà Phó Tổng thống Kamala Harris tiếp tục tập trung trong chiến dịch tranh cử của mình để cân bằng với những khoản chi tiêu lớn, dồn lực cho công nghệ và hạn chế đầu tư nhằm giảm thiểu sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc.
Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những trọng tâm của ba cuộc tranh luận sắp tới – hai cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống và một cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Phó Tổng thống – bắt đầu vào ngày 10/9.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, các ưu tiên kinh tế của bà Harris cũng phản ánh đường lối chính trị tinh tế mà bà đang theo đuổi, ngay cả khi bà tìm cách tránh xa hoặc làm chệch hướng những vấn đề còn gây tranh cãi trong di sản của chính quyền Biden – bao gồm lạm phát, di cư bất hợp pháp qua biên giới và chương trình nghị sự tiến bộ.
Một trong số những thành tựu tiêu biểu của chính quyền Biden mà ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ được kỳ vọng sẽ xây dựng là Đạo luật Khoa học và Chip trị giá 280 tỷ USD, được thông qua vào tháng 7/2022, nhằm mục đích tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và chống lại những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực chip và các công nghệ khác có khả năng sử dụng trong quân đội.
Bổ sung cho Đạo luật này là Đạo luật Đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm trị giá 1,2 nghìn tỷ USD và Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 750 tỷ USD, được ký thành luật vào tháng 11/2021 và tháng 8/2022. Các đạo luật nhằm mục đích xây dựng lại các tuyến đường, cầu và phương tiện giao thông công cộng đang xuống cấp của Mỹ; tài trợ cho bộ sạc xe điện, truyền tải năng lượng sạch và băng thông rộng internet; giảm phát thải khí nhà kính…một phần trong những nỗ lực trang bị cho Washington một cơ sở vững chắc hơn để đối phó với Bắc Kinh.
Khi ra tranh cử, Tổng thống Biden từng cam kết sẽ xem xét lại các chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2021 – được đánh dấu bằng một cuộc chiến thương mại và thuế quan trừng phạt – và tập trung vào cách tiếp cận “sân nhỏ, hàng rào cao” có chọn lọc hơn.
Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, chính quyền thời Biden vẫn giữ nguyên hầu hết các mức thuế nhập khẩu của thời Trump, chưa kể còn mở rộng đáng kể các hạn chế xuất khẩu đối với các chất bán dẫn cao cấp và công nghệ tiên tiến khác.
Trong bài phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở thành phố Asheville, bang Bắc Carolina hôm 14/8, ông Donald Trump đã đổi lỗi cho bà Harris và chính quyền Tổng thống Biden về tình trạng lạm phát. (Nguồn: Getty) |
Các nhà kinh tế đã đặt câu hỏi về hiệu quả của các đề xuất thuế quan và hạn chế chuỗi cung ứng của chính phủ, lưu ý rằng nhiều hàng hóa và linh kiện của Trung Quốc trên thực tế đã được chuyển hướng qua nhiều quốc gia khác. Đáng chú ý, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc chỉ giảm nhẹ, từ 300 tỷ USD xuống còn 279 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2023.
Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson Adam Posen cho biết, cả bà Harris và ông Trump đều không đề cập việc dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc và đây là một trong số ít những vấn đề hiếm hoi đạt được sự đồng thuận giữa hai đảng trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc như hiện nay.
“Về mặt kinh tế, chính sách thương mại và đầu tư, tôi nghĩ sẽ không có sự khác biệt nào. Mỹ chắc chắn sẽ áp thêm thuế quan trừng phạt đối với Trung Quốc, hạn chế thương mại song phương”, ông Adam Posen nhận định.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden rút lui cách đây chưa đầy 4 tuần, nhường chỗ cho “phó tướng” Kamala Harris, cuộc đua vào Nhà Trắng đã hoàn toàn bị đảo lộn, tạo thêm động lực mới cho đảng Dân chủ. Mặc dù các đề xuất theo chủ nghĩa dân túy do bà Harris nêu ra hôm 16/8 có thể được cử tri ủng hộ, nhưng nhiều ưu tiên kinh tế của bà – và của ông Trump – sẽ cần phải đảm bảo được sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Trước đó, trong bài phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở thành phố Asheville, bang Bắc Carolina hôm 14/8, ông Donald Trump đã đổi lỗi cho bà Harris và chính quyền Tổng thống Biden về tình trạng lạm phát trước khi chuyển sang thảo luận về vấn đề nhập cư và các chủ đề yêu thích khác.
Ông Trump khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ đủ để giúp nước Mỹ trả hết nợ, đồng thời cam kết giảm giá năng lượng từ 50-70% trong từ 12-18 tháng. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ứng cử viên đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ tăng cường cấp phép khai thác, thăm dò đất liên bang, nới lỏng quy trình cấp phép cho đường ống cùng với các biện pháp khác nhằm hạ giá tiêu dùng.