Kinh tế Ukraine phục hồi bất chấp khó khăn, Kiev không còn phải lo đến tiền? (Nguồn: Asiatimes) |
Nguy cơ nhận được ít hơn số tiền đã được các nhà tài trợ quốc tế hứa hẹn đã giảm bớt trong năm nay. Có vẻ các nhà lãnh đạo Ukraine không còn phải lo đến tiền, mà chỉ cần tìm được giải pháp cải cách hiệu quả để đưa nền kinh tế thật sự tiến lên?
Theo Ukrinform, các doanh nghiệp tại Ukraine hiện đang nhanh chóng thích nghi ngay cả với tình trạng mất điện. Liệu những yếu tố này đã đủ để nền kinh tế Đông Âu này duy trì sự ổn định tài chính vĩ mô và phục hồi bền vững không?
Kịch bản kinh tế Ukraine nửa sau năm 2024 và 2025–2026?
Trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Ukraine đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Nền kinh tế hiện không chỉ chịu được áp lực của những thách thức chưa từng có và cả “căn bệnh” thiếu điện kinh niên, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự với Nga đã kéo sang năm thứ ba, mà còn tiếp tục phục hồi.
Nền móng cho khả năng phục hồi này được gây dựng bởi tình hình ổn định tài chính vĩ mô, được đảm bảo bởi các quyết định của Ngân hàng Trung ương Ukraine (NBU) và chính phủ, cùng sự hỗ trợ đáng kể từ các nhà tài trợ quốc tế.
Cụ thể, lạm phát trong nền kinh tế Ukraine đã chậm lại ở mức 3,2% vào tháng 4 và giữ vững ở mức vừa phải ngay cả sau khi tăng trở lại. Thâm hụt ngân sách đã được tài trợ kịp thời mà không cần phải phát hành thêm một đồng Hryvnia nào và dự trữ quốc tế đang ở mức đủ.
Tuy nhiên, xung đột quân sự vẫn đang tiếp diễn, những rủi ro và thách thức của nó đối với nền kinh tế Ukraine và thậm chí nhiều vấn đề hơn thế nữa vẫn rình rập bất cứ lúc nào.
“Lạm phát sẽ tăng, nhưng sẽ có xu hướng giảm xuống sớm nhất là vào năm tới và quay trở lại mục tiêu 5% của NBU. Sự phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục, nhưng sẽ chậm lại ở mức 3,7% vào năm 2024. Trong hai năm tới, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng tốc lên 4%–5%/năm”, đây là những nội dung cốt lõi trong báo cáo lạm phát mới nhất của NBU.
Tuy nhiên, do sự những rủi ro chưa từng có luôn thường trực, Kiev đã xây dựng dự báo của mình dựa trên một loạt các giả định khác nhau. Do vậy, bối cảnh kinh tế vĩ mô sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu chúng có thành hiện thực hay không.
Ở kịch bản thứ nhất khá lạc quan với kỳ vọng nền kinh tế vẫn đứng vững trong bối cảnh không chắc chắn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, mặc dù NBU kỳ vọng, các điều kiện cho hoạt động kinh tế sẽ dần trở lại bình thường, nhưng dự báo cuối cùng vẫn phụ thuộc vào những rủi ro liên quan diễn biến của cuộc xung đột quân sự.
Chắc chắn, một cuộc xung đột quân sự cường độ cao kéo dài sẽ hạn chế tiềm năng kinh tế, gây áp lực lên giá cả và dẫn đến nhu cầu ngân sách cao hơn. Điều này sẽ làm gia tăng thêm rủi ro, vì Kiev không thể biết phía Nga sẽ tiếp tục triển khai những bước đi nào trong chiến dịch quân sự đặc biệt của họ.
Một giả định khác là viện trợ quốc tế sẽ tiếp tục đổ vào. Nền kinh tế Ukraine vẫn phụ thuộc vào viện trợ, tuy nhiên, nguồn tài trợ cho những năm tới vẫn chưa được đảm bảo. Hiện tại, Kiev vẫn liên tục làm việc với các đối tác quốc tế để chắc chắn về nguồn này. Điều quan trọng đối với Ukraine là phải nhận được ít nhất 31 tỷ USD vào năm 2025 và 21 tỷ USD vào năm 2026.
Hy vọng nhiều hơn vào các quyết định tích cực từ phương Tây
Lý giải cho kịch bản rằng tương lai viện trợ quốc tế cho Kiev có thể rất mong manh, trong bài viết trên Ukrinform, Thống đốc Ngân hàng quốc gia Ukraine Andriy Pyshnyy viết, không phải vì người Ukraine không làm việc đủ chăm chỉ. Ngược lại, “các đối tác của chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Kiev đã vượt quá mong đợi của họ về việc củng cố năng lực, thực hiện cải cách và đáp ứng các cam kết của mình”, ông khẳng định.
Nhưng thực tế, nhu cầu tài trợ của Ukraine còn được định hình bởi cuộc xung đột toàn diện với Nga. Xung đột Nga-Ukraine đã khiến chi tiêu ngân sách tăng đột biến.
Một phần lớn thâm hụt của năm 2024 (khoảng 38 tỷ USD) sẽ rất khó trang trải, nếu không có viện trợ tài chính từ nước ngoài, mặc dù Kiev đã thành công trong việc phục hồi thị trường nợ trong nước, mở rộng cơ sở thuế và xây dựng biên độ an toàn.
Nền kinh tế Ukraine biết ơn Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đối tác khác vì các chương trình hỗ trợ mà họ đã phê duyệt. Nhưng tương lai, Kiev hy vọng nhiều hơn vào các quyết định tích cực tiếp theo của các nhà tài trợ sẽ liên quan việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga. Thu nhập từ các tài sản như vậy sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ thiếu hụt tài chính và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc bầu cử ở các quốc gia đối tác.
Thống đốc Ngân hàng quốc gia Ukraine Andriy Pyshnyy kỳ vọng, kinh tế nước này sẽ dần phục hồi với điều kiện có đủ viện trợ quốc tế và hệ thống năng lượng “tương đối kiên cường”.
Ông cho biết, trong quý 1/2024, sự phục hồi kinh tế tăng tốc lên 6,5%. Nhưng các cuộc tấn công có mục tiêu của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine đã gây ra tổn thất đáng kể cho hệ thống năng lượng và dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài hơn.
Điện đã thiếu hụt đáng kể trong quý 2 và trầm trọng hơn vào đầu quý 3 do thời tiết nóng và sự liên tục bị đối phương tấn công. Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn năng lượng đã không làm gián đoạn nền kinh tế Ukraine.
“Theo ước tính, trong quý 2/2024, GDP Ukraine thực tế tiếp tục tăng trưởng, kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,7% vào năm 2024 và tăng lên 4%–5% vào năm 2025–2026”, ông Andriy Pyshnyy cho biết.
Tuy nhiên, Thống đốc NBU cũng tiết lộ, tình trạng thiếu điện sẽ vượt quá 7% vào năm 2024, tiến gần đến 8% vào năm 2025, 5% vào năm 2026 và vẫn là một trong những yếu tố chính kìm hãm nền kinh tế.
Mặt khác, sự phục hồi sẽ được thúc đẩy bởi các khoản chi ngân sách đáng kể nhờ viện trợ quốc tế, bằng cách phát triển hơn nữa các tuyến xuất khẩu khi nhu cầu xuất khẩu của Ukraine phục hồi và bằng cách củng cố hơn nữa nguồn năng lượng.