Xuất khẩu của Trung Quốc dù tăng nhưng đang giảm dưới kỳ vọng của thị trường và theo các nhà phân tích dự đoán, mức tăng trưởng có thể sẽ giảm trong vài tháng tới. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Theo dữ liệu hải quan được công bố ngày 7/8, xuất khẩu – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu năm, đã tăng 7% trong tháng 7/2024 so với cùng kỳ năm trước, đạt 300,56 tỷ USD. Con số này thấp hơn tương đối so với mức tăng trưởng dự kiến là 9,5% và thấp hơn mức tăng 8,6% trong tháng 6.
Mức tăng trưởng này cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, giảm tới 14,5%.
Trong khi đó, nhập khẩu tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, so với mức giảm 2,3% của tháng 6. Thặng dư thương mại tháng 7 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đạt 84,65 tỷ USD, so với 99,05 tỷ USD vào tháng 6.
Về đối tác thương mại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng 12,15% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các lô hàng đến Mỹ đã tăng 8%, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp tăng trưởng tích cực.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang Nga đã giảm 2,81% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7, trong khi các lô hàng đến EU tăng 7,9%.
Nửa đầu năm nay, lĩnh vực xuất khẩu vẫn được đánh giá là “điểm sáng” trong bối cảnh nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm, góp phần đưa mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 5%. Tuy nhiên, việc Trung Quốc vướng phải những cáo buộc về tình trạng xuất siêu có thể khiến nước này đối mặt với những rào cản thương mại trong thời điểm tới. Quyết định cuối cùng của EU về mức thuế quan đối với xe điện của nền kinh tế số 1 châu Á sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc có thể chịu áp lực từ các sự kiện thế giới, đặc biệt là sau khi lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ có thể gây ra đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán toàn cầu vào đầu tuần này, ảnh hưởng đến đến niềm tin của người tiêu dùng.
Đồng NDT cũng tăng mạnh trong tuần này, tạo thêm thách thức cho các nhà xuất khẩu.
Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Đầu tư và Doanh nghiệp Natixis cho biết: “Thương mại xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục phục hồi vào tháng 7, nhưng tình hình thực tế khó khăn hơn khi xét đến tác động cơ bản. Điều này có nghĩa là nhu cầu toàn cầu suy yếu và thuế quan có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến xuất khẩu của nước này trong tương lai.
Nếu đồng USD suy yếu và tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, có thể thấy xuất khẩu, động lực tăng trưởng ấn tượng nhất của Trung Quốc vào năm 2024, sẽ chậm lại trong vài tháng tới”.
Theo chuyên gia này, Trung Quốc cần chuyển hướng vào thị trường nội địa nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
“Với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các rào cản thương mại toàn cầu đã tăng đáng kể. Do sự bất ổn kinh tế của các đối tác thương mại lớn và sự thay đổi trong các đơn đặt hàng, giao thương ngoài nước của Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực trong nửa cuối năm”, một bài bình luận được đăng trên tờ People’s Daily vào cuối tháng 7 dự báo.