Hội nghị được tổ chức theo Công văn số 7901-CV/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”; thực hiện Kế hoạch 390-KH/BTGTW về việc triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025).
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Phương Lan) |
Tham dự Hội nghị có TS. Đinh Văn Thuần – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS.NSND Phạm Anh Phương – Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, cùng 25 nghệ sĩ gồm Ban chấp hành Hội, Hội đồng nghệ thuật và các chuyên gia trong lĩnh vực múa.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Đinh Văn Thuần thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao tâm huyết của lãnh đạo Hội và các hội viên trong việc khắc phục khó khăn để tập trung tâm lực, trí lực vì sự nghiệp chung là phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đạ bản sắc dân tộc.
Trong 50 năm qua, nghệ thuật múa Việt Nam là một trong những loại hình nghệ thuật có sự chuyển động mạnh mẽ, ngôn ngữ, trào lưu múa mới đã xuất hiện làm giàu thêm cho tinh hoa nghệ thuật múa Việt Nam. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực của lãnh đạo Hội và toàn thể nghệ sĩ múa Việt Nam.
TS. Đinh Văn Thuần chia sẻ thêm: “Thời gian tới, rất mong Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” nhằm để tìm cách tháo gỡ khó khăn với những đề án mang tính chiến lược dài hơi nhằm đạt được những thành tựu mới ở chặng đường mới”.
TS. Đinh Văn Thuần, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Lan) |
Bày tỏ cảm ơn những ý kiến chỉ đạo mang tính đóng góp rất tích cực của TS. Đinh Văn Thuần, TS.NSND Phạm Anh Phương – Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, cho biết: “Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện nền nghệ thuật múa Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; góp phần cổ vũ, động viên, phát huy tài năng, tâm huyết của các thế hệ nghệ sĩ múa Việt Nam trong việc sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đây, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Để kế hoạch phát động sáng tác đạt được hiệu quả thiết thực, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam rất mong nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các nghệ sĩ múa và các và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc.”
Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia đầu ngành của ngành múa Việt Nam cũng đã trao đổi về các tiêu chí bình chọn 50 tác phẩm múa tiêu biểu.
Những tác phẩm múa trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất phải là những sáng tác mới, có chất lượng cao về tư tư tưởng và nghệ thuật; có sự đa dạng về thể loại và hình thức biểu đạt (múa ngắn, thơ múa, kịch múa và kịch bản múa); có tính nghệ thuật đặc sắc, tính sáng tạo và phương thức thể hiện mới, đồng thời mang đậm dấu ấn của tác giả; ngôn ngữ múa cần sinh động và gần gũi với khán giả, phù hợp với hơi thở cuộc sống đương thời.
Ban chấp hành Hội nghệ sĩ múa Việt Nam. (Ảnh: Phương Lan) |
Có thể nói, với sự phát triển sôi động của nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay, múa đã trở thành món ăn tinh thần đối với nhiều tầng lớp nhân dân và trở thành nhân tố không thể thiếu trong nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm múa lớn, có chất lượng cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật và thông qua nghệ thuật múa giúp lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của quốc gia dân tộc tới bạn bè quốc tế muôn phương.