BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 30/7 và TỶ GIÁ HÔM NAY 30/7
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 30/7/2024
Giá vàng trong nước ngày 29/7 biến động.
Sáng 29/7, trong khi giá vàng miếng SJC giữ nguyên mức giá niêm yết so với chốt phiên cuối tuần, thì giá vàng nhẫn tăng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đều công bố chung mức giá bán vàng SJC ở mức 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết so với chốt phiên hôm trước.
Trong khi giá vàng miếng SJC ổn định thì giá vàng nhẫn tăng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Theo đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,8 – 77,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,55 -77,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng hôm nay 30/7/2024: Giá vàng tăng, đón sóng từ vụ tấn công tên lửa Cao nguyên Golan, thêm ngân hàng đổi điều kiện mua vàng SJC online. (Nguồn: Reuters) |
Trước đó, liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, tại buổi họp báo quý II/2024 do Ngân hàng Nhà nước mới tổ chức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho người dân qua Big4 ngân hàng và Công ty SJC chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, thị trường vàng cần giải pháp căn cơ, phù hợp.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá: “Ngân hàng Nhà nước đang cùng các bộ ngành khác nghiên cứu để có chính sách hợp lý trong thời gian tới nhằm quản lý thị trường vàng. Những cái nào thuộc vai trò quản lý nhà nước thì dứt khoát tiếp tục quản lý, những gì thuộc về thị trường thì tạo điều kiện cho thị trường được thông thoáng.
Trên nguyên tắc sẽ sửa đổi nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả, ngăn chặn tiêu cực trên thị trường vàng, bình ổn thị trường vàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang thanh tra kiểm tra hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng”.
Trong thông báo mới nhất, Vietcombank cho biết áp dụng thêm chính sách với khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến tại ngân hàng này.
Cụ thể, từ ngày 29/7, người dân muốn đăng ký mua vàng trực tuyến tại Vietcombank phải có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng này và đang hoạt động. Trường hợp người dân có nhu cầu mua vàng miếng tại ngân hàng mà chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng thì có thể mở tài khoản online hoặc đến quầy giao dịch để được ngân hàng hướng dẫn.
Trước đó, Agribank và BIDV cũng áp dụng chính sách này với khách hàng mua vàng miếng online. Riêng BIDV yêu cầu khách mua vàng miếng SJC online phải có tài khoản tại BIDV và số tiền trên tài khoản tại thời điểm đăng ký mua vàng phải đủ để thanh toán cho số lượng vàng đã đăng ký.
VietinBank, đơn vị còn lại trong 4 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước giao bán vàng miếng, không bắt buộc khách hàng phải thanh toán bằng tài khoản của ngân hàng này khi mua vàng miếng SJC mà có thể sử dụng tất cả tài khoản ngân hàng khác.
Tuy nhiên, khách hàng cũng cần đáp ứng đúng các yêu cầu mà ngân hàng này cũng như 3 ngân hàng còn lại đưa ra như đã thực hiện đặt mua online thành công, đến đúng giờ và địa điểm đăng ký, mang theo giấy tờ tùy thân đã khai báo khi đăng ký và giấy tờ này phải còn hiệu lực.
Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại các thời điểm chốt phiên giao dịch chiều 29/7:
Công ty VBĐQ Sài Gòn: Vàng miếng SJC 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 75,6 – 77,05 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji: Vàng miếng SJC 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng; Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng): 75,85 – 77,10 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ: Vàng miếng SJC 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9: 75,7 – 77,09 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý: Vàng miếng SJC: 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9: 75,8 – 77,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 75,88 – 77,08 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 75,05 – 76,95 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, thông tin trên Kitco News, tính đến 16h51 giờ Việt Nam ngày 29/7, giá vàng thế giới niêm yết ở mức 2.390,3 USD/ounce, tăng 3,2 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 29/7, 1 USD = 25.455 VND, giá vàng thế giới tương đương 73,31 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 6,19 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng
Theo Reuters, giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch chiều ngày 29/7 nhờ căng thẳng leo thang tại Trung Đông và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tháng 9 tới.
Vàng đã tăng 3% trong tháng 7 sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.483,6 USD vào ngày 17/7 do sự lạc quan ngày càng lớn về việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9.
Sau báo cáo lạm phát tháng 6 lạc quan, thị trường đang đặt cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ đặt nền móng cho việc giảm lãi suất vào tháng 9 tại cuộc họp chính sách vào thứ Tư (31/7).
Thị trường cũng nhận được hỗ trợ khi rủi ro địa chính trị leo thang ở Trung Đông sau vụ tấn công tên lửa ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Về nhu cầu vật chất, mức tiêu thụ vàng ở Trung Quốc, nước sử dụng nhiều nhất thế giới, giảm 5,6% trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu vàng trang sức giảm 26,7% trong bối cảnh giá cao; tuy nhiên, việc mua vàng miếng và tiền xu lại tăng 46%.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết: “Giá của Trung Quốc đã giảm vào tuần trước xuống mức thấp hơn so với giá quốc tế, phản ánh sự sụt giảm mạnh trong sức mua của người mua đồ trang sức trước tình trạng giá tăng cao”.
Trong môi trường hiện tại, giá vàng thế giới có thể duy trì xu hướng tăng giá vào phiên sáng mai trong khi giá vàng SJC ổn định.