Việc công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam sẽ giúp hai nền kinh tế Mỹ – Việt Nam mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư. (Nguồn: Shutterstock) |
Ngày 8/9/2023, Việt Nam gửi đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, ngay trước khi Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam tháng 9/2023. Hiện nay, phía Mỹ đang xem xét việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và quy trình này sẽ kéo dài 270 ngày.
Việc Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ, qua đó, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Những đánh giá khách quan về nền kinh tế thị trường của Việt Nam
Thực tế, mỗi nước, nền kinh tế sẽ có quy định riêng về các tiêu chí xác định kinh tế thị trường. Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: (i) mức độ chuyển đổi của đồng tiền; (ii) đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; (iii) mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; (iv) vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; (v) mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; (vi) các yếu tố khác.
Với EU, có 5 tiêu chí để xét như: mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong phân bổ các nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp (Việt Nam đã thực hiện được, theo đánh giá của EU hồi 2015); không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; sự tồn tại và thực thi một số chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; lĩnh vực tài chính.
Tại phiên điều trần mới đây do Bộ Thương mại Mỹ tổ chức xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, phía Việt Nam nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường.
Thực tế, cho đến nay nhiều nước lớn khác như Nhật Bản, Australia, Anh, Canada nằm trong số 72 quốc gia và lãnh thổ đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường… Hiện còn 12 nước trong danh sách các quốc gia Mỹ phủ nhận nền kinh tế thị trường, bao gồm cả Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ.
Trong bài viết đăng tải trên mạng geopoliticalmonitor.com ngày 11/3/2024, nhà nghiên cứu James Borton tại Viện Chính sách đối ngoại Johns Hopkins (Mỹ) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư quốc tế. Tác giả dẫn báo cáo kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, cơ quan này đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 70 trên 190 nền kinh tế đáng khen, phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Tạp chí Mỹ US News and World Report xếp Việt Nam đứng thứ 7 trong số 78 quốc gia nên khởi nghiệp kinh doanh vào năm 2021, tăng 5 bậc so với năm 2020. Ông cho rằng, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện không chỉ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt Nam, mà còn là cơ hội để Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, qua đó giúp hai nước hưởng nhiều lợi ích kinh tế hơn.
Theo ông Borton, trong bối cảnh chính phủ Mỹ nỗ lực thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), việc được công nhận quy chế thị trường sẽ giúp Việt Nam gia tăng thương mại và đầu tư với Mỹ. Đổi lại, lợi ích mà các công ty Mỹ có được là các cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, máy móc, máy bay và dược phẩm. Tất cả đều góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Hiệp hội các Nhà bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) lại cho rằng, Việt Nam nên được xem là một nền kinh tế thị trường vì, theo họ, quốc gia Đông Nam Á đã đáp ứng được các tiêu chí theo yêu cầu của Mỹ. Hiệp hội thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới nói rằng việc này “đặc biệt đúng đối với các hàng hóa tiêu dùng quan trọng như may mặc, dày dép, điện tử gia dụng và đồ nội thất”.
Phó Chủ tịch về Chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của NRF, ông Jonathan Gold, nói trong thư gửi bà Raimondo, “công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường sẽ là một yếu tố quan trọng của chính sách đa dạng chuỗi cung ứng của Mỹ”.
Từng là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thời Tổng thống Donald Trump, ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, cơ quan ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam lên thành nền kinh tế thị trường, nói: “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường”. “Nước này đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được chỉ định đúng đắn”. “Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của nước này”.
Luật sư Eric Emerson của hãng luật Steptoe LLP, đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, lập luận rằng, Việt Nam nên được nâng cấp lên quy chế kinh tế thị trường, vì đã đáp ứng 06 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đề ra, từ khả năng chuyển đổi tiền tệ và quyền lao động cho đến độ mở đầu tư và phân bổ nguồn lực. “Việt Nam đã cho thấy họ làm tốt, hay là tốt hơn những nước khác trước đây đã được cấp quy chế kinh tế thị trường theo các tiêu chí được quy định này”. Ông còn dẫn ra rằng, hỗ trợ của Nhà nước cho các công ty nhà nước ở Việt Nam ít hơn Ấn Độ và Việt Nam cởi mở với đầu tư nước ngoài nhiều hơn Indonesia, Canada và Philippines.
Hãng điện tử Samsung đã trở thành công ty tuyển dụng lao động đông nhất tại Việt Nam nhờ vào những thay đổi theo hướng thị trường. Lãnh đạo bộ phận chính sách công của Samsung ở Mỹ, ông Scott Thompson, phát biểu tại phiên điều trần, rằng “Việt Nam đã nổi lên như một đối tác ổn định, an toàn của Mỹ trong chuỗi cung ứng… rốt cuộc cũng vì lợi ích của kinh tế Mỹ”.
Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7% vào năm 2025. Fitch Ratings tin rằng, các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và triển vọng tăng trưởng trung hạn có thể khoảng 7%/năm nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào. |
Không thể xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam
Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Đến nay, trên thế giới đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển như: kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường xã hội ở Đức, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển…, dù ở mức độ khác nhau, đều có định hướng xã hội. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của chủ nghĩa xã hội trong lòng các nước tư bản phát triển. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mô hình này sử dụng cả kinh tế thị trường và cả kinh tế tư bản chủ nghĩa để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Sự thật là thị trường ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời kỳ nào, trong bất cứ chế độ xã hội nào cũng đều có sự lãnh đạo quản lý của Nhà nước, chẳng hạn Nhà nước cấm mua bán những thứ gì (đồ quốc cấm), khuyến khích sản xuất và trao đổi những sản phẩm gì. Nhà nước tạo khung pháp luật cho cạnh tranh, bảo vệ, thúc đẩy, tôn trọng cạnh tranh lành mạnh; ngăn ngừa, hạn chế độc quyền cản trở cạnh tranh và chống lại các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Nhà nước điều tiết và giải quyết các mặt trái của thị trường.
Ngày nay, nền kinh tế thị trường của các nước tư bản phát triển trên thế giới vừa có sự điều tiết bởi “bàn tay vô hình”, vừa có điều tiết bởi “bàn tay hữu hình”. Kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp của nhà nước.
Ngày nay trên thế giới nhìn vào nước tư bản nào cũng thấy ở đó có kinh tế quốc doanh, khi cần thiết họ dùng lực lượng kinh tế quốc doanh để điều tiết thị trường, cụ thể là điều tiết cung – cầu, điều tiết giá cả. Chẳng hạn trong đợt khủng hoảng 2 năm vừa rồi, Mỹ đã đưa một lượng lớn xăng dầu dự trữ ra bán để ghìm giá xuống, tránh hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Việc Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước. (Nguồn: Bloomberg) |
Cũng như thị trường các nước, thị trường Việt Nam cũng phải có sự lãnh đạo, quản lý. Nhà nước quản lý, điều tiết thị trường thông qua các công cụ chủ yếu, phổ biến là chính sách và pháp luật. Điển hình như việc mới đây, Ngân hàng Nhà nước trực tiếp bán vàng không lợi nhuận cho người dân để bình ổn thị trường vàng.
Thành tựu những năm gần đây đã chứng minh tính đúng đắn của việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường định hương xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Doanh nghiệp nhà nước có vai trò chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực tế trong suốt gần 40 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2023.
Những thành tựu đổi mới của Việt Nam đã cho thấy, việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết rất tốt những vấn đề xã hội. Dư luận hy vọng, phía Mỹ sẽ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đúng theo tình thần của trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 9/2023, vì lợi ích thiết thực của Nhân dân cả hai nước.