Friday, November 8, 2024
#
HomeKinh tếSau khí đốt đây chính là mặt hàng chiến lược của Nga...

Sau khí đốt đây chính là mặt hàng chiến lược của Nga gây nghiện EU điều trớ trêu làm khó liên minh


Mặc dù Moscow là đối thủ địa chính trị của Liên minh châu Âu (EU), khối 27 quốc gia thành viên vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu sản phẩm chiến lược như ure (phân bón) của Nga.

Sau khí đốt, đây chính là mặt hàng chiến lược của Nga ‘gây nghiện’ EU
Nga là nhà cung cấp ure chính cho EU. (Nguồn: Sputnik)

Ure đã thay thế khí đốt tự nhiên, trở thành sản phẩm tiếp theo khiến EU phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.

Tầm quan trọng của ure

Phân bón, với vai trò góp phần đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho người dân, luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước nhập khẩu tại EU. Những quốc gia này dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và chính sách thương mại do các nhà xuất khẩu áp dụng.

Urê là một hợp chất hóa học hữu cơ có nồng độ nitơ cao (46%), rất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng và độ phì nhiêu của đất. Vai trò quan trọng này khiến ure trở thành tài sản chiến lược trong việc đảm bảo cho lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Diễn biến giá

Trong quá trình sản xuất ure, amoniac được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào, sau đó dùng khí đốt tự nhiên. Giá của 3 mặt hàng này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Giá ure đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Sự gián đoạn thị trường ure bắt đầu vào nửa cuối năm 2021 khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu manh nha. Giá khí đốt tự nhiên tăng vào năm 2021 đã dẫn đến giá các sản phẩm phái sinh của nó, đầu tiên là amoniac và sau đó là ure, tăng.

Xu hướng tăng tiếp tục khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine (tháng 2/2022), khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Năm 2023, giá trên thị trường mặt hàng chiến lược này dịu bớt, bắt đầu có xu hướng giảm và sau đó tương đối ổn định cho đến hiện nay, mặc dù vẫn ở mức cao hơn năm 2021 – thời điểm trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tuy nhiên, giá ure không tăng cùng mức với giá amoniac. Tình trạng này xảy ra do các quốc gia châu Âu đã thay thế nguồn cung cấp amoniac từ Nga bằng nguồn cung cấp từ các nước khác, đặc biệt là từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine, dẫn tới việc gia tăng ngay lập tức và đáng kể về giá amoniac.

Thế nhưng, điều tương tự đã không xảy ra với ure, khiến mặt hàng này dư thừa ít hơn so với amoniac và do đó, giá ure tăng ít hơn.

Vai trò của Nga

Nga là nước sản xuất và xuất khẩu ure lớn nhất thế giới. Hầu hết các nước xuất khẩu ure lớn đều là những nhà sản xuất khí đốt lớn, điều này khẳng định lợi thế so sánh mà các nhà sản xuất khí đốt có được trong sản xuất ure, ngoại trừ Trung Quốc và Ai Cập.

Đối với hai quốc gia trên, ure có tính chiến lược đến mức nhà nước đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngành này, giúp tăng đáng kể năng lực sản xuất và xuất khẩu.

Nga cùng với Ai Cập là nhà cung cấp ure chính cho EU.

Cairo giữ vị trí nhà xuất khẩu ure lớn thứ 2 sang khối 27 quốc gia thành viên, mặc dù lượng xuất khẩu hằng năm của Ai Cập thấp hơn nhiều so với Nga. Năm 2023, lượng xuất khẩu của quốc gia Bắc Phi sang EU chỉ đạt hơn 2 triệu tấn, trong khi con số này của Nga vượt quá 6,5 triệu tấn.

Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng những năm gần đây, EU đã tìm cách hạn chế nhập khẩu ure từ xứ sở bạch dương, ưu tiên mua hàng của quốc gia kim tự tháp.

Năm 2022, nhập khẩu ure của liên minh này từ Mỹ, Nigeria, Oman và một số nước châu Á đã tăng đáng kể.

Như đã đề cập ở trên, quy trình thay thế amoniac của Nga không đi kèm với quy trình thay thế ure tương đương.

Nguồn cung ure từ các nước khác tăng trong khi hàng từ Nga không theo xu hướng ngược lại, trớ trêu thay, chúng đã tăng lên trong cùng thời kỳ, tạo ra sự đột biến về nguồn cung trên thị trường EU. Yếu tố quyết định chính là sự gia tăng nhu cầu của châu Âu, rất có thể nhằm mục đích phòng ngừa, do lo ngại rằng Moscow có thể sử dụng ure làm công cụ thương lượng sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Việc đổ xô vào dự trữ ure đã đẩy giá loại phân bón này lên mức kỷ lục do nhu cầu đã vượt quá nguồn cung.

Do vậy, trong khi EU muốn thay thế ure của Nga bằng hàng từ các nước khác thì thị trường lại diễn biến theo hướng ngược lại: nguồn cung từ nước này vẫn được duy trì, thậm chí tăng lên, trong khi hàng từ các nước khác đắt hơn lại giảm đi.

Sau khí đốt, đây chính là mặt hàng chiến lược của Nga ‘gây nghiện’ EU

Rủi ro của EU

Nga cố gắng đảm bảo mức giá ure thấp hơn so với các nhà cung cấp toàn cầu khác vì nước này có lợi thế lớn về chi phí trong sản xuất. Vì sao?

Thứ nhất, ure chứa các nguyên liệu thô (khí đốt và amoniac), đưa Moscow trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu ure lớn nhất thế giới. Thứ hai, sản xuất mặt hàng này tại Nga ít ràng buộc về môi trường hơn đối với các doanh nghiệp. Ngược lại, việc sản xuất phân bón ở EU phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.

Sự phụ thuộc của EU vào ure của Nga, từ một quốc gia mà khối này đang có xung đột trên nhiều mặt, kéo theo nguy cơ đáng kể, có thể khiến giảm hoặc thậm chí ngừng nhập khẩu.

Thực tế thị trường các mặt hàng khác cho thấy, liên minh có thể tìm nhiều nhà cung cấp có khả năng thay thế hàng nhập khẩu từ xứ bạch dương. Tuy nhiên, quá trình thay thế có thể mất thời gian, dẫn tới nguy cơ xảy ra tình trạng khan hiếm ure kéo dài trên thị trường EU và hậu quả là giá tăng mạnh.

Yêu cầu từ nhà sản xuất châu Âu

Trong một thị trường EU mở cửa cho sự cạnh tranh, lợi thế về chi phí của các nhà sản xuất Nga đang khiến các nhà sản xuất châu Âu gặp bất lợi. Do đó, họ đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng các biện pháp bảo hộ.

Tuy nhiên, bất kỳ sự can thiệp tiềm tàng nào của EC đều có thể bị hạn chế để tránh gây tổn hại cho nông dân châu Âu, những người sử dụng cuối cùng các loại phân bón này.

Do đó, cần có một giải pháp cân bằng để bảo vệ cả nông dân, những người phải đối mặt với sự bất ổn về giá, và các nhà sản xuất ở châu lục này, những người đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mức giá do các nhà cung cấp Nga đặt ra.

Một cách tiếp cận khả thi có thể là đưa ra các biện pháp khuyến khích mua phân bón được sản xuất tại EU và về lâu dài sẽ thúc đẩy sản xuất trong khu vực nhiều hơn, đồng thời hướng tới giảm dần việc sử dụng phân bón có nguồn gốc hóa thạch để ưu tiên sử dụng phân bón sinh học.

Tóm lại, mặc dù Nga là đối thủ địa chính trị của EU, khối 27 quốc gia thành viên vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu sản phẩm chiến lược như ure của Moscow. Có khả năng, do căng thẳng đang diễn ra giữa khối này và Nga, EC sẽ bắt đầu các hành động nhằm giảm dần sự phụ thuộc này. Vì vậy, việc tăng giá được dự đoán trước, mặc dù sẽ có những nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng để giảm chi phí cho nông dân, từ đó tránh được tác hại quá mức cho lĩnh vực này, đồng thời giảm nguy cơ căng thẳng chính trị và xã hội.



Nguồn:https://baoquocte.vn/sau-khi-dot-day-chinh-la-mat-hang-chien-luoc-cua-nga-gay-nghien-eu-dieu-tro-treu-lam-kho-lien-minh-279937.html

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem